“Cứ mưa to, lũ về là bản bị chia cắt và không thể đi qua được”, cụ Giàng Tống Su (87 tuổi) - người bản Páo Khắt (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải) cho biết.
Thực tế, năm nào trai tráng trong bản cũng phải đi xẻ gỗ sửa cầu. Năm ngoái (2016) cầu đã bị lũ cuốn trôi 2 lần. Năm nay (2017), lũ mới về một trận mà cây cầu đã gãy làm đôi và trai bản lại phải xẻ gỗ làm lại. Đến ngày 17.7 - chưa đầy 1 tháng, chiếc cầu tạm vừa được dựng lại bị lũ cuốn trôi.
“Khi chưa có cầu thì đi qua suối. Mùa mưa trẻ con không đi học được. Ra vào đều không được. Cầu gỗ này trước của chương trình 135. Nhà nước hỗ trợ 3 cây sắt và rọ đá B40 kè hai bên. Bà con nhân dân đi xẻ gỗ về làm. Nhưng mưa to thì cũng nghỉ thôi, không đi được”, Giàng A Khua, trưởng bản Páo Khắt kể.
Được biết trên địa bàn huyện vẫn cần xây dựng mới 20 cây cầu bê tông, 10 cầu treo… Tại bản Páo Khắt và Cái Dông, vào mùa mưa lũ, năm nào chiếc cầu gỗ do người dân làm tạm cũng bị cuốn trôi, việc giao thương của bà con với bên ngoài bị cô lập, ảnh hưởng tới đời sống kinh tế và con em cũng không thể đến trường.
Cầu được nối lại nhưng rất yếu nên dù nối liền hai bờ suối vẫn chênh vênh. Phụ nữ nếu đi xe máy qua cầu phải dắt, chỉ cánh đàn ông khỏe mạnh mới dám đi xe qua cầu… Và cũng vì thế, người dân nơi đây càng mong ngóng có một chiếc cầu mới, bằng bê tông kiên cố, với nhịp dài để họ có thể an tâm qua lại cả trong mùa mưa.
Đặc biệt, trẻ em có thể tự đi học không sợ ngập lụt và phụ nữ có thể đi xe máy qua cầu mà không sợ ngã khỏi cầu.
“Được tin xây cầu mới, mình rất mừng”
Vốn ngại giao tiếp với người lạ, phụ nữ đồng bào H’Mông chỉ loanh quanh với “anh sim thẻ”. Tiếng hỏi, lời đáp, cười nói rôm rả. Hôm nay, ngày khởi công cầu Cái Dông dầm thép, người dân nơi đây không chỉ được tặng sim 4G miễn phí, mà còn được tặng cả một niềm hy vọng đi lại an toàn trong mùa mưa lũ sẽ có chỉ trong vài tháng tới.
|
Đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), nhà tài trợ dự án cầu Cáng Dông mới khẳng định họ luôn chọn những gì thiết thực nhất để hỗ trợ những người dân ở vùng khó khăn và cây cầu này là một ví dụ. “Triết lý của Viettel là sản xuất kinh doanh luôn gắn với trách nhiệm xã hội cộng đồng” - ông Tăng Bá Tuyên, Trưởng phòng chính sách dân vận, Cơ quan chính trị, Tập đoàn Viễn thông Quân đội chia sẻ.
Trước đó, dự án cầu Cáng Dông nằm trong chương trình 186 cầu treo dân sinh ở 28 tỉnh miền núi phía bắc, miền Trung và Tây nguyên được Chính phủ triển khai từ năm 2014. Nhưng nhu cầu lên tới 1.000 tỉ đồng trong khi nguồn vốn ngân sách chỉ duyệt chi được 520 tỉ đồng đã khiến Bộ Giao thông vận tải đưa ra quyết định vận động từ các nguồn lực bên ngoài để đẩy nhanh dự án. Chương trình đó được đặt tên là “Nhịp cầu yêu thương”.
Chỉnh tề sơ mi trắng, tóc hất qua phải, Trưởng bản Giàng A Khua tỏ rõ niềm vui trong Lễ khởi công công trình cầu Cáng Dông mới. “Được tin xây cầu mới, mình rất mừng, bà con cũng rất mừng, thấy tốt” - Giàng A Khua chia sẻ.
Món quà lớn cho các em nhỏ
Cây cầu Cáng Dông mới không chỉ là niềm mong của người dân bản Nậm Khắt, đó còn là ước muốn của các thầy cô giáo tình nguyện cắm bản, mang con chữ đến với trẻ em vùng cao.
|
Có những năm học, các em bỏ lớp một tháng vì cầu trôi, nước lớn. Với ngày nắng, việc qua suối cũng không dễ dàng, “Bố mẹ phải cõng các em đi qua suối. Xong là các em đi cùng các anh chị lớn”, cô giáo Nguyễn Thị Như nói.
Thương các con đi học vất vả, cô Như và nhiều giáo viên khác đã tình nguyện góp 1 tuần lương để cùng với người dân bê tông hóa con đường tới trường. Nhưng khi cây cầu bị đánh gãy việc học hành vẫn phải gác lại.
Sáng 15.7, những xẻng đất đầu tiên đã được xúc để khởi công dự án cầu Cáng Dông dầm thép. Cây cầu dự kiến có 2 nhịp, mỗi nhịp dài 16 m bằng bê tông, rộng 4 m, tải trọng cho phép 8 tấn, đường dẫn vào cầu dài 242 m.
“Chiếc cầu mơ ước” sẽ thay thế hoàn toàn cho cầu trước đó làm bằng gỗ rộng 1,5 m, dài 10m, chỉ lưu thông được xe thô sơ. Qua đó, cây cầu này sẽ chấm dứt cảnh 244 hộ gia đình hai bên cầu với tổng số gần 1.200 người dân và các cháu học sinh thường xuyên phải đi lại qua sông bằng cầu tạm, cầu tre đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Tết năm tới, người dân Nậm Khắt sẽ được đi trên những nhịp cầu chắc chắn, không còn sợ mưa lũ. Và trong lễ khởi công, nhiều bé gái H’Mông đã mặc bộ trang phục chỉ dành cho những ngày đầu năm. Những đồng xu nhỏ kêu leng keng theo mỗi nhịp chân bước.
Có nhiều điều đang chờ đợi các em hơn là cây cầu và con chữ.
Bình luận (0)