Đầu năm 2024, làng hoa Đặng Cương (H.An Dương, TP.Hải Phòng) chính thức mở cửa đón người dân và du khách thập phương đến tham quan, chọn đào chơi Tết Nguyên đán 2024. Nhiều người sẽ có cảm giác choáng ngợp trước vẻ đẹp của hàng vạn cây đào cổ thụ có thân lớn 1 - 2 người ôm đang chi chít chồi, nụ.
Dưới bàn tay của các nghệ nhân đất Cảng, những gốc đào đồi được thu mua từ các tỉnh miền núi phía Tây Bắc như: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái… được các nhà vườn đưa về ươm trồng, cắt tỉa, ghép với đào phai Hải Phòng hoặc bích đào Hà Nội, uốn tạo thế, qua đó, đã trở thành những tác phẩm đào cảnh tuyệt đẹp, có giá từ vài triệu đồng cho đến cả trăm triệu đồng.
Ông Bùi Viết Dân, chủ nhà vườn Viết Dân (thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương), cho biết vườn đào cổ thụ của gia đình ông có hơn 200 gốc. Đa số đều là đào phai cánh kép được ông ghép với các gốc đào lớn, nhiều năm tuổi được mua của các hộ dân vùng cao. Theo ông Dân, thời tiết năm nay thuận lợi, cây đào phát triển tốt, dăm nụ dày, nhiều lớp. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, ông Dân khẳng định giá đào tết 2024, các nhà vườn không tăng giá, thậm chí còn giảm đôi chút so với vụ năm ngoái.
Cũng theo ông Dân, hiện tại nhà vườn ông cũng đã có khách từ TP.Hà Nội về tham quan và trả 60 triệu đồng để mua đứt một cây đào cổ thụ ghép bích đào nhưng ông Dân không bán. Lý do, được ông Dân đưa ra, đây là cây đào gần trăm năm tuổi, dáng thế bàn tay Phật, có nguồn gốc tại tỉnh Điện Biên. Sau một năm ươm trồng, cấy ghép khá kỳ công, cây mới được như ngày hôm nay. "Những cây đẹp như vậy mà bán đi thì thật sự rất tiếc, bởi khó có cơ hội tìm được cây thứ 2. Nếu cho khách thuê thì số tiền thu lại cũng chỉ đủ tiền mua gốc nhưng sau tết, cây lại chở về nhà vườn", ông Dân chia sẻ.
Sở hữu tới 200 gốc đào cổ thụ siêu đẹp, chủ vườn đào trẻ tuổi Nguyễn Đình Côn (thôn Tự Lập, xã Đặng Cương) chia sẻ, gia đình anh Công có nghề truyền thống trồng đào cảnh tết. Khác với chúng bạn cùng trang lứa, anh Công không chọn con đường đi làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp mà quyết định theo nghiệp cha, làm giàu trên chính đồng đất quê nhà. Anh tâm sự, nghề trồng đào tết khá vất vả nhưng nếu biết làm, cây đào sẽ giúp người nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Trong số hàng trăm cây đào thân lớn, nhiều cây đào trong nhà vườn của anh Công được giới chơi đào xếp vào tốp đầu những cây đào đẳng cấp của làng hoa Đặng Cương có giá thuê từ 15 - 50 triệu đồng và giá bán lên đến cả trăm triệu đồng.
Dẫn PV Thanh Niên đi xem cây đào phai thế tam đa có đường kính thân tới 0,7 m, cây cao 3 m, tán rộng 5 m nằm cuối vườn vừa được một vị khách trả 170 triệu đồng, anh Công nói đây là cây đào "khủng" nhất trong vườn nên với giá đó chưa thể chốt bán.
Ngoài những vườn đào cảnh cổ thụ, một số hộ trồng đào tại xã Đặng Cương chuyển hướng trồng đào cắt cành để cung cấp cho người lao động có thu nhập thấp. Bà Nguyễn Thị Là (thôn Tự Lập, xã Đặng Cương), cho biết trồng đào ghép đòi hỏi người trồng không chỉ có sức khỏe mà còn phải có tiền. Giá mỗi gốc đào mua từ vùng cao về để ghép hiện có giá từ 3 - 20 triệu đồng (tùy độ to nhỏ và dáng thế), do đó vợ chồng bà Là quyết định trồng đào cắt cành cắm lọ lục bình.
Vụ đào tết 2024, vườn đào nhà bà Là có hơn 200 cây và giá bán được bà Là tiết lộ chỉ vài trăm nghìn đồng/cành (tùy thuộc cành to, nhỏ).
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Trưởng, Chủ tịch UBND xã Đặng Cương, cho biết hiện toàn xã có 125 ha trồng hoa cây cảnh, trong đó diện tích trồng đào tết chiếm tới 90%, số diện tích còn lại là trồng quất và hoa hải đường vụ tết . Trong những năm qua, nghề trồng đào cảnh tết đã giúp nhiều gia đình nông dân ở xã Đặng Cương trở lên khá giả. Ông Trưởng kỳ vọng năm nay, làng nghề hoa cây cảnh Đặng Cương vẫn đạt con số 70 tỉ đồng, bằng tổng mức năm 2023.
Bình luận (0)