Theo báo cáo trên chuyên san National Science Review, trụ sở tại Bắc Kinh, nhóm chuyên gia của Viện Động vật học Côn Minh (Trung Quốc) phối hợp với các chuyên gia của Đại học North Carolina (Mỹ) đã chèn các phiên bản MCPH1, gien được cho là đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của não người, vào 11 con khỉ nâu. Trong thời gian quan sát, họ phát hiện não khỉ sau khi được can thiệp đã mất nhiều thời gian hơn để tăng trưởng, giống như trường hợp con người, và chúng thể hiện tốt hơn trong các bài kiểm tra về trí nhớ ngắn hạn cũng như thời gian phản ứng so với khỉ nơi hoang dã. Tuy nhiên, não của chúng không phình to hơn về kích thước như kỳ vọng. Và chỉ có 5 con khỉ sống sót đến thời điểm tham gia thử nghiệm.
Bất chấp kết quả cuộc nghiên cứu là gì, dự án của các chuyên gia Trung Quốc đang vấp phải sự phản đối dữ dội từ giới khoa học, thậm chí một số người còn so sánh tham vọng này với kịch bản phim khoa học viễn tưởng Planet of the Apes (tựa Việt: Đại chiến hành tinh khỉ). “Mọi người cứ xem Planet of the Apes là có ngay sự liên tưởng”, theo chuyên gia Jacqueline Glover của Đại học Colorado (Mỹ). “Biến chúng giống người là hành vi gây hại. Chúng sẽ ở đâu và làm gì sau đó? Đừng nên tạo ra một thứ gì đó mà không thể mang đến ý nghĩa gì cho cuộc sống”, nữ chuyên gia trình bày trên ấn phẩm MIT Technology Review. Vào tháng 1, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã gây quan ngại khi giới thiệu 5 con khỉ được nhân bản vô tính từ một cá thể đã bị can thiệp gien để mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Kết quả cho thấy cả 5 phiên bản vô tính đều xuất hiện những dấu hiệu tâm thần, bao gồm trầm cảm, lo lắng và các hành vi có liên quan đến chứng tâm thần phân liệt.
Bình luận (0)