Riêng giá mít giống tăng “kỷ lục”, từ chưa tới 20.000 đồng/cây lên hơn 80.000 đồng/cây.
Chị Lâm, người có thâm niên sản xuất cây giống ở ấp Phú Hiệp, xã Phú Sơn (H.Chợ Lách), cho biết do giá mít giống tăng cao nên nhà vườn đổ xô đi “săn” cây mít con về ghép, khiến giá cây giống nguyên liệu cũng bắt đầu tăng theo. Theo nhiều nhà vườn, từ giữa năm 2016 đến nay, họ liên tục nhận được đơn đặt hàng cây giống với số lượng lớn, nhiều nhất là bưởi da xanh, sầu riêng, các loại xoài, vú sữa; thậm chí ở một số chủng loại giống mà địa phương không có thế mạnh như dừa dứa, hồ tiêu, bơ sáp, thanh long ruột đỏ… Hiện cây giống chưa đủ chiều cao cần thiết vẫn được thương lái mua vì vận chuyển đi dễ dàng hơn. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhiều nhà vườn ở Chợ Lách đã chặt bỏ vườn cây ăn trái, bán rẻ hoa kiểng, thậm chí tìm sang các huyện khác như Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, TP.Bến Tre thuê đất để chuyển sang sản xuất cây giống.
Theo tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Chợ Lách, sở dĩ cây giống hút hàng, tăng giá là do từ giữa năm 2016, có một doanh nghiệp lớn ở Tây nguyên thu mua lượng lớn cây giống lớn để trồng trong nông trại của mình. Ngoài ra, nhu cầu giống cây ăn trái của các khách hàng ở miền Trung, miền Bắc và ĐBSCL vẫn rất lớn. Đặc biệt là gần đây, một số thương lái đã bắt đầu xuất cây giống của Chợ Lách sang các nước Lào, Campuchia bằng đường tiểu ngạch, khiến cung không đủ cầu. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh đã yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương tìm giải pháp kiểm soát và tổ chức lại sản xuất cho phù hợp theo hướng tập trung phát triển một số chủng loại giống cây ăn trái mà địa phương có thế mạnh, nhằm tránh tình trạng thừa nguồn cung, dẫn đến giảm giá, gây thiệt hại cho nông dân.
Bình luận (0)