(TNO) Kiều Oanh quả là một cây hài ăn khách, khi chính cái tên của cô là "nhãn hiệu bảo chứng" cho mức giá vé của Nhà hát Kịch TP.HCM (mức bình thường của các suất diễn trong tháng 4 này tại sân khấu này là 500.000-800.000 đồng, ngày Tết lên đến 1,5 triệu đồng). Mặc dù cô đào của cải lương năm nào đã rẽ sang một hướng khác trên con đường nghệ thuật, nhưng bây giờ cô lại thèm trở về với những giọt nước mắt bi thương…
Kiều Oanh là cái tên bán vé của Nhà hát Kịch TP.HCM, có rất nhiều fan trung thành cả chục năm trời.
Cô không diễn liên tục mà chỉ diễn mấy đợt trong năm, mỗi lần chừng hơn 10 suất rồi lại bay sang Mỹ nhận sô.
Lấy chồng, định cư ở Mỹ nhưng hóa ra Kiều Oanh vẫn ở Việt Nam là chính, con cái cũng gởi bà chị ở Việt Nam trông coi, đi học trường Việt. Bay đi bay lại giữa hai sân khấu Việt - Mỹ, và tất bật với phim truyền hình Việt, ngày nào rảnh thì tranh thủ ở nhà chơi với con.
Kiều Oanh nói: “Chính vì vậy mà 8 năm trời tôi mới được nhập quốc tịch Mỹ, vì cứ nhớ Việt Nam, bay về biểu diễn và ở chơi hoài”.
|
Còn Lê Huỳnh - chồng cô, vốn là ca sĩ dòng nhạc tiền chiến của các phòng trà Văn Nghệ, Tiếng Xưa, khi sang Mỹ lại là ca sĩ và cây hài ăn khách của Trung tâm Vân Sơn, và khi kết duyên với Kiều Oanh thì anh trở thành “kép” của cô trên khắp các sân khấu. Hai người đóng kịch thật ăn ý. Nhưng anh vẫn phải thường xuyên ở Mỹ để bảo đảm công việc riêng của mình, và gần gũi cha mẹ già, cho vợ con về Việt Nam hoạt động thỏa sức.
Hỏi cô bộ không thích nghi với xứ người hay sao mà cứ phải bay về, Kiều Oanh cười: “Tôi thích nghi rất nhanh về chuyện ăn uống, ăn gì cũng xong, dễ tính lắm. Nhưng cái mà mình nhớ nhất là sân khấu. Ở Mỹ cũng có sô liên tục nhưng chỉ là những chương trình tổng hợp, diễn tiểu phẩm ngắn. Còn ở Nhà hát Kịch TP.HCM tôi được diễn kịch dài, dù là kịch hài nhưng vẫn có tâm lý, tính cách nhân vật, có cao trào, thắt mở, xung đột… Còn đóng phim nữa, thích quá đi. Cho nên tôi phải trở lại Việt Nam thôi. Nói thiệt nghen, không có sân khấu tôi chết còn sướng hơn. Đã ăn vào máu rồi, bỏ không được”.
Quả thật là trong buổi dợt lại đường dây vở Nữ tỉ phú tìm cha, thấy Kiều Oanh chỉ ngồi gặm bánh mì suông với dĩa nước tương vì không kịp mua đồ điểm tâm. Cô dễ tính thật. Cười nói rộn ràng, leo lên sàn tập thì pha trò hồn nhiên lạ lùng. Cô hay giỡn: “Khùng khùng một chút cho vui, anh em đỡ căng thẳng chị ơi!”.
Thật sự tôi biết cô đào đẹp này từ mười mấy năm trước, khi cô vừa tốt nghiệp khoa Cải lương, Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nhưng lại có duyên hài lạ lùng và đi sô liên tục. Và cô trở thành đào chính của sân khấu Kịch Sài Gòn.
Kịch Sài Gòn khi mới thành lập toàn dựng những vở có vui mà cũng có thâm thúy, ngậm ngùi, tập trung toàn những tên tuổi như Việt Anh, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Hồng Vân, Bảo Quốc, Quyền Linh… Kiều Oanh từng có những vai diễn bi rất hay, trong đó vai cô gái trong vở Lấy chồng xứ lạ đã lấy bao nhiêu nước mắt khán giả. Cô gái nghèo, phải nhận lời lấy chồng Đài Loan trả nợ cho gia đình, không may gặp người chồng tật nguyền, và ông cha chồng chuyên chế, lợi dụng. Nhưng người anh chồng lại rất có tâm, đã yêu thương và giải thoát cho đời cô. Đúng hơn, đó là một vở bi kịch.
Và chính bi kịch ấy đã thôi thúc trái tim Kiều Oanh sống lại sau bao nhiêu năm chạy theo kịch hài. Cô nói: “Tôi phải đặt hàng tác giả viết một vở bi để diễn. Tôi thèm lấy nước mắt khán giả. Khán giả thế hệ sau này không hề biết tôi từng diễn bi, tôi muốn tìm lại hình ảnh đó trong mắt mọi người. Và có ca vọng cổ nữa càng tốt”.
Kiều Oanh ca vọng cổ còn mướt lắm. Hơi rất dài, giọng rất trong, cứ vở nào có điều kiện là Kiều Oanh “quất” luôn một câu vọng cổ, khán giả vỗ tay rần rần. Và học cải lương là có luôn vũ đạo, nên tay chân mềm mại, uyển chuyển. Kiều Oanh khẳng định lợi thế cải lương của mình. Cô là đào thương của cải lương, thoắt cái biến thành đào lẳng của sân khấu kịch, âu cũng là duyên nợ. Nhưng Kiều Oanh nhất định trở lại với bi kịch, coi như làm mới bản thân một lần nữa vậy!
Hoàng Kim
Bình luận (0)