Cây hài sân khấu: Dũng Nhí - Gian khổ vẫn không ngớt tiếng cười

06/07/2024 06:09 GMT+7

Dũng Nhí có thể xem là cây hài trẻ của cải lương dù anh không còn trẻ nữa và đã lăn lóc với nghề hơn 20 năm. Nhưng những vai đình đám của lớp nghệ sĩ lão thành như Bảo Quốc giờ đạo diễn đã phải trao cho thế hệ Dũng Nhí, vì vậy mới nói anh là "trẻ". Dũng Nhí gánh những vai nặng ký như vậy và đều làm khán giả hài lòng.

CON NHÀ NÒI MÀ CƠ CỰC

Dũng Nhí là con của đôi vợ chồng ca sĩ Quốc Trầm - Phương Dung nổi tiếng, cũng từng lập gánh cải lương riêng, xuôi ngược khắp các bến bãi. Dũng Nhí từ trong bụng mẹ đã thấm đẫm tiếng đờn ca vọng cổ, nhưng rồi ba mẹ không muốn con mình theo nghề hát nên gửi Dũng về Nha Trang sống với cậu mợ.

Cây hài sân khấu: Dũng Nhí - Gian khổ vẫn không ngớt tiếng cười- Ảnh 1.

Dũng Nhí vai Chương Hầu, Diễm Thanh vai Nàng Tía trong vở Tiếng trống Mê Linh

H.K

Suốt 10 năm xa cha mẹ, nhiều lần khóc vì nhớ thương, cuối cùng Dũng kết thúc tuổi thơ côi cút của mình bằng cách bỏ ngang lớp 10, chạy theo gánh hát để được cùng đoàn tụ với cha mẹ. Ông bà bầu thấy Dũng không có chuyên môn gì hết, lại nhỏ con, nên sắp xếp cho con mình một vai… nhắc tuồng. Cha mẹ khó tính như vậy, không hề thiên vị "người nhà", cũng là cơ hội để Dũng rèn luyện sức chịu đựng.

Rồi Dũng Nhí cũng được lên hát, lên diễn, bởi anh chưa hề bỏ cuộc, lẳng lặng học nghề sau cánh gà. Với sân khấu, nhất là cải lương, đòi hỏi phải có thanh và sắc, thì Dũng Nhí hoàn toàn không có lợi thế về ngoại hình, vừa nhỏ nhắn vừa không đẹp trai tí nào. May mắn là anh thừa hưởng giọng ca của cha, trầm, khỏe, vang, và tánh tình nghiêm túc, hiền hậu, nên anh vẫn được các đoàn nhỏ kêu show đủ sống lay lất mà nuôi vợ con.

Vất vả mà anh không than, vẫn đêm đêm bước lên sân khấu đem tiếng cười cho khán giả. Dũng Nhí tận dụng cái bất lợi về ngoại hình để biến thành có lợi khi diễn hài, chọn đi theo con đường diễn hài, diễn tính cách, trở thành một kép lẳng rất duyên của sân khấu.

VỪA CƯỜI VỪA THẤY NHÓI LÒNG

Vở Tiếng trống Mê Linh do Nhà hát Trần Hữu Trang tái dựng không thể mời NSƯT Bảo Quốc vì ông đang ở Mỹ. Thế là Dũng Nhí nhận vai Chương Hầu. Cái bóng Bảo Quốc quá lớn, Dũng Nhí cũng chỉ dám diễn trên cơ sở đường dây mà Bảo Quốc đã khai thác. Nhưng anh vẫn thổi vào nhân vật nét riêng của mình. Một Chương Hầu nhỏ loắt choắt đúng với chất thỏ đế, xun xoe nịnh nọt quân Hán và "ra vẻ" với quân kháng chiến nhưng gương mặt lại trông rất tội. Nếu Chương Hầu của Bảo Quốc còn chút nét "sang sang" thì Chương Hầu của Dũng Nhí trông "bèo bọt" thế nào, càng rõ hơn thân phận chùm gửi, cáo mượn oai hùm.

Cây hài sân khấu: Dũng Nhí - Gian khổ vẫn không ngớt tiếng cười- Ảnh 2.

Dũng Nhí vai ông bầu gánh hát, Nguyễn Văn Khởi vai ông cò Bằng trong vở Bạch Hải Đường

Dũng Nhí ca rất hay, nhấn nhá rất giỏi, khán giả vỗ tay liên tiếp. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cũng thở phào, và ông tin tưởng vào anh kép hài này, tiếp tục giao cho anh một vai khác cũng nặng ký không kém.

Vai ông bầu gánh hát nghèo trong vở Bạch Hải Đường có thể nói là vai xuất sắc của Dũng Nhí. Khán giả xem mà cười lộn ruột nhưng cũng rớm nước mắt vì thân phận người nghèo khi lọt vào không gian kỳ thị của người giàu sang. Trong buổi tiệc tân gia của ông cò cảnh sát, có những người bạn thân đến chung vui, như Minh (tướng cướp Bạch Hải Đường giấu mình), ông bầu gánh hát, và cô Nhung vợ của anh Minh. Ba người bạn đồng cam cộng khổ từ thuở nhỏ nên không có khoảng cách nào, nhưng với cô Nhung thì xung đột xảy ra. Cô coi rẻ ông bầu, thẳng giọng chê bai, xách mé, lại còn ăn cắp chiếc nhẫn hột xoàn và đổ tội cho ông bầu. Dũng Nhí đã hóa thân thành một nhân vật tuy vẻ ngoài ráng tươm tất một chút nhưng vẫn không giấu nổi sự nghèo khó, bất định, mong manh của kiếp tơ tằm nổi trôi bến bãi, lo chạy gạo hằng ngày. Dũng Nhí đã đem trải nghiệm thực tế của mình, gia đình mình lên sân khấu, diễn rất chân thật, cảm động. Nhưng khí chất nghệ sĩ vẫn tiềm tàng sau manh áo rách, ông bầu vẫn trượng nghĩa, tình cảm, thẳng như bưng, ăn miếng trả miếng với bà chị ỷ giàu hiếp yếu. Những lớp diễn Dũng Nhí và NSND Thanh Ngân (vai Nhung) cãi vã nhau là cơ hội cho Dũng thi thố tài năng, ca hay, diễn hài cũng hay, sinh động vô cùng.

Đến lớp sau, khi Minh bị bắt vào tù, vợ bỏ đi theo trai, thì ông bầu lặn lội vào trại thăm bạn. Mặc cái nghèo chạy cơm từng bữa, ông bầu vẫn không bỏ bạn. Tới thăm mà chẳng có tiền mua quà, chỉ có ổ bánh mì, xem mà rớt nước mắt. Nhưng Dũng đã lấy ngay tiếng cười của khán giả bằng những câu thoại và diễn xuất khác. Đặc biệt lớp diễn hài cùng với Hoàng Minh Vương (vai cai tù) thật sự xứng đáng với những tràng pháo tay.

Dũng Nhí và Hoàng Minh Vương tung hứng rất ăn ý, miếng hài nào cũng duyên, nhiều khán giả ngạc nhiên vì không ngờ Dũng Nhí hóa thân hay như vậy. Cái dáng nhỏ thó bèo bèo luôn kè kè cái cặp như là sang trọng lắm, rốt cuộc lại là hình ảnh đọng lại trong ký ức người xem. Nét mặt ngây ngô pha chút phong trần như hằn sâu những trải nghiệm cuộc đời, làm người ta vừa cười vừa nghe nhói lòng. Nhưng thật sự mừng khi cải lương đã có người kế thừa những vai hài, điểm xuyết vào vở diễn những bông hoa tươi tắn. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.