Cây trùm bóng mát cả một khoảng sân chùa. Cây tô điểm cho cảnh quan trầm mặc, cổ kính xung quanh ngôi chùa ở ngã ba sông Cái Rắn. Dưới gốc cây có ngôi miếu thờ các chư vong. Cây từng chứng kiến những biến cố lịch sử của địa phương: từ việc bà con người Hoa dựng cung thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu thời lập nghiệp; việc nhân dân thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến năm 1946 và những chiến công của quân dân xã Phú Hưng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trước đó, vua Gia Long từng ẩn nấp tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn cuối thế kỷ 18, để lại di tích, địa danh Ao Vua (Ao Ngự), xóm Long Ẩn, rạch Long Ẩn, nền mộ công chúa ở ấp Cái Rắn này.
Cây gần gũi, thân thuộc và ăn sâu vào tâm thức của nhiều lớp cư dân quanh vùng. Những buổi trưa hè, bà con lối xóm, các em học sinh, khách qua đường và người đến cúng viếng chùa thường ngồi nghỉ mát duới gốc cây. Gốc cây lớn bằng mấy sải tay người ôm. Thân và cành lá vẫn xanh tốt, nhưng ở trên cao có những cành đang bị chết sinh học do già cỗi. Vì vậy, cây mắm cổ thụ này cần được cơ quan chuyên môn hướng dẫn việc chăm sóc, giữ gìn.
Sở dĩ cần phải cứu chữa bởi đây có thể là cây mắm lớn nhất ở Việt Nam. Mắm là loài đi tiên phong lấn biển. Trái mắm rụng xuống theo dòng nước trôi ra biển, gặp đất bùn phù sa là bám rễ liền. Khi cố định được đất bãi bồi thì mắm chết. Lúc đó cây đước tiến theo. Vì vậy mà cây mắm không ở sâu trong nội địa và không sống lâu như các loài cây khác. Sự tồn tại của cây mắm cao tuổi này là rất hiếm gặp. Giữ gìn được cây mắm đại cổ thụ này còn có ý nghĩa về văn hoá, tâm linh và nghiên cứu khoa học về thực vật học nói chung và cây ngập nước ven biển nói riêng.
Bài, ảnh: PHẠM ANH HOAN
Bình luận (0)