Cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ cứu người suy tim nặng

02/03/2016 07:18 GMT+7

Bé D.V.H (7 tuổi, ở Vĩnh Phúc) là bệnh nhi đầu tiên tại VN được Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ điều trị bệnh tim bẩm sinh, suy tim nặng.

Bé D.V.H (7 tuổi, ở Vĩnh Phúc) là bệnh nhi đầu tiên tại VN được Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) phẫu thuật cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ điều trị bệnh tim bẩm sinh, suy tim nặng. 

Ảnh: ShutterstockẢnh: Shutterstock
H. bị tim bẩm sinh block nhĩ thất toàn phần lúc còn trong bụng mẹ.
Sau sinh 4 tháng, H. rất yếu, khó thở nặng phải đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư, được chẩn đoán tim giãn to và suy giảm chức năng nặng, tim lớn chiếm gần hết lồng ngực, gây khó thở, nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ phẫu thuật cấy máy tạo nhịp một buồng tim cho H. Tuy nhiên, sau đó, bệnh lại trở nặng. Đến thời điểm 3 năm trước, H. rất gầy yếu, chỉ nặng 10 kg. Lúc này, để cứu H. một lần nữa, bác sĩ dùng phương pháp cuối cùng là cấy máy tạo nhịp tái đồng bộ.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, công tác tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Nhi T.Ư, tái đồng bộ tim là kỹ thuật sử dụng máy tạo nhịp kích thích tim tại nhiều điểm, tạo sự co cơ đồng bộ giữa các vùng cơ tim bị bất đồng bộ nhằm tăng hiệu quả tống máu thất trái, duy trì hoạt động bình thường, ổn định cho tim. Đây là ca phẫu thuật khó, bởi phải tìm được điểm kích thích tim thích hợp trong khi quả tim suy giãn to so với lồng ngực rất nhỏ của H. Vì không có loại máy được sản xuất riêng cho trẻ nhỏ nên phải dùng máy dành cho người lớn, cài đặt lại chương trình cho phù hợp với sinh lý tim của trẻ nhỏ. Ngoài ra, H. có nguy cơ tử vong trong khi mổ do thể trạng quá yếu. Khi phẫu thuật mở lồng ngực bệnh nhi, thấy tim đập yếu ớt, thành quả tim mỏng dính, do đó các thao tác khi phẫu thuật phải hết sức nhẹ nhàng, chính xác. Khi xoắn điện cực vào cơ thất trái, nguy cơ thủng và vỡ tim là rất cao. Với nỗ lực của phẫu thuật viên và ê kíp gây mê, ca mổ thành công.
Đến nay đã hơn 3 năm sau cấy máy, qua kiểm tra cho thấy H. khỏe mạnh. Thành công trong ca điều trị này mở ra cơ hội sống bình thường cho những bệnh nhân suy tim nặng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.