Vào dịp đầu xuân, hàng chục ngàn người từ khắp nơi tụ về Bảo tàng Quang Trung để trẩy hội mừng chiến thắng Đống Đa. Sau khi thành kính dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, nhiều người đến uống nước giếng trước điện thờ với niềm tin rằng sẽ vượt qua được bệnh tật và ngồi dưới gốc me cổ thụ nghĩ về những kế hoạch trong năm mới với lời nguyện cầu sẽ có được thành công.
KHÍ PHÁCH HÙNG THIÊNG
Tương truyền, sau khi ông Hồ Phi Phúc từ làng Phú Lạc (nay thuộc xã Bình Thành, H.Tây Sơn) sang định cư tại làng Kiên Mỹ (TT.Phú Phong, H.Tây Sơn) gần bến Trường Trầu để thuận lợi cho việc buôn bán; trong sân nhà, ông Phúc trồng một cây me bên trái, đào một giếng nước bên phải. Sau đó, 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ chào đời trong ngôi nhà này.
Người làng Kiên Mỹ truyền miệng rằng, nguồn nước trong giếng nuôi dưỡng 3 anh em nhà Tây Sơn trưởng thành. Dưới tán cây me cổ thụ là nơi các vị anh hùng Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ngày đêm luyện võ khi còn niên thiếu. Khi lớn lên, Nguyễn Nhạc cùng các em và bạn bè bàn bạc, hoạch định chuyện dựng cờ khởi nghĩa dưới tán cây me này…
Hơn 250 năm trôi qua với bao thăng trầm nhưng cây me cổ thụ trong vườn nhà Tây Sơn vẫn mạnh mẽ sống, hiên ngang vươn cao giữa đất trời. Hiện cây cao khoảng 30 m, đường kính 1,2 m, tán rộng che phủ 600 m2. Cây me đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam vào cuối năm 2011. Nhiều người dân H.Tây Sơn cho rằng cây me mang khí phách hùng thiêng của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Vì vậy, cùng với việc thờ tượng Hoàng đế Quang Trung trong nhà, nhiều người đến Bảo tàng Quang Trung tìm giống me cổ thụ đem về trồng trong vườn của mình.
Theo các cụ cao niên ở làng Kiên Mỹ, giếng nước trong vườn nhà Tây Sơn ngày xưa được ghép bằng đá ong, không có vữa hồ, không có thành giếng, sâu khoảng 8m, đường kính gần 1m. Khi đó, cả làng Kiên Mỹ chỉ có mỗi giếng nước này nên người dân gọi đó là giếng làng. Sau này, làng Kiên Mỹ có thêm nhiều giếng mới nhưng nhiều người vẫn thích dùng nước giếng trong vườn nhà Tây Sơn. Có những năm nắng hạn, các giếng trong làng Kiên Mỹ đều khô cạn nhưng nước giếng vườn nhà Tây Sơn vẫn luôn trong và mát. Người dân làng Kiên Mỹ còn lưu truyền những câu ca dao: "Cây me, giếng nước, sân đình/ Ơn sâu, nghĩa nặng, dân mình còn ghi", hay câu: "Cây me cũ, bến Trầu xưa/ Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm".
TẠI SAO MIỄU LỚN HƠN ĐÌNH ?
Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, vị trí ngôi nhà của ông Hồ Phi Phúc hiện là nơi xây Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt và các vị văn thần, nghĩa sĩ nhà Tây Sơn (trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung). Sau khi phong trào Tây Sơn thoái trào, triều đình nhà Nguyễn đàn áp những người theo nhà Tây Sơn, tàn phá tất cả những di tích của triều đại này để lại. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn một lòng sùng kính những người anh hùng nghĩa sĩ Tây Sơn.
Năm Minh Mạng thứ 3 (1823), người dân làng Kiên Mỹ góp công, góp của xây dựng ngôi đình làng trên nền nhà cũ của ông Hồ Phi Phúc để bí mật thờ ba anh em nhà Tây Sơn, gọi là đình Kiên Mỹ.
Theo ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cây me và giếng nước là dấu tích cổ trong vườn nhà của 3 anh em Tây Sơn ngày xưa. Vì vậy, Bảo tàng Quang Trung và tỉnh Bình Định luôn xem trọng công tác giữ gìn, bảo quản để lưu giữ cây me, giếng nước này. Hằng năm, Bảo tàng Quang Trung đều có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng giếng nước, chăm sóc cây me cổ thụ.
“Đối với cây me cổ thụ, mỗi năm tiến hành 3 đợt cắt tỉa nhành khô, bón phân, xử lý sâu bệnh, cắt tỉa quả để tránh cây bị suy kiệt… Công tác vệ sinh cho cây đều thực hiện thủ công, không xử lý thuốc. Chúng tôi lo ngại việc dùng thuốc sẽ dẫn đến sức đề kháng của cây me cổ thụ yếu đi”, ông Tú nói.
Giếng nước trong vườn nhà Tây Sơn cũng được trùng tu, bảo dưỡng thường xuyên. Do nhu cầu khách tham quan đến lấy nước liên tục nên phải 2 hay 3 năm Bảo tàng Quang Trung lại dừng hoạt động giếng để nạo vét, sửa lại lòng giếng (bằng đá ong) bị bào mòn...
Nhằm tránh sự ngăn cấm của triều Nguyễn lúc bấy giờ, người dân gọi đình này là nơi thờ cúng thành hoàng. Hằng năm, vào ngày 5 tháng 11 âm lịch, tức vào dịp lễ Thường tân (tết cơm mới), dân làng cúng giỗ "Ba ngài Tây Sơn" nhưng thường chỉ cúng hương hoa và "mật cáo" vào nửa đêm chứ không có văn tế. Lời "mật cáo" được bí mật truyền miệng từ đời người phụng tế này đến người phụng tế khác… Ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa cũng được "hợp pháp hóa" bằng hình thức mặc niệm nhân ngày cúng mừng đầu năm mới âm lịch. Trong khi đó, sắc phong thành hoàng của triều Nguyễn không được người dân Kiên Mỹ thờ trong đình mà mang thờ tại một ngôi miễu (miếu) khác trong làng. Vì vậy, người trong làng mới có câu ca: "Ai cho miễu lớn hơn đình/Bậu có chồng mặc bậu vẫn gọi mình bằng anh"…
Năm 1958, người dân địa phương xây dựng lại ngôi đình ngay trên nền cũ, chính thức lấy tên là Điện thờ Tây Sơn. Từ đó, việc thờ cúng anh em nhà Tây Sơn và lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức công khai. Sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Nghĩa Bình (nay tách thành Bình Định và Quảng Ngãi) đã xây dựng Bảo tàng Quang Trung bên cạnh khu di tích Điện thờ Tây Sơn. Năm 1979, Điện thờ Tây Sơn được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2014, Khu di tích Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt (gồm Điện thờ Tây Sơn và Địa điểm bến Trường Trầu) được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.
Bình luận (0)