Cấy ốc tai điện tử cho cháu bé bị điếc sâu 2 tai

08/07/2020 18:26 GMT+7

Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Trung ương Huế) phối hợp với nhà tài trợ đã cấy thành công ốc tai điện tử cho một cháu bé bị điếc sâu cả 2 tai.

Ngày 8.7, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng Công ty trợ thính Quang Đức đã thực hiện thành công ca cấy ốc tai điện tử cho bé D.A.H (hơn 2 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng) bị điếc sâu hai tai, đã đeo máy trợ thính trên 6 tháng nhưng kém hiệu quả.
Ca phẫu thuật được thực hiện bởi sự trợ giúp của chuyên gia phó giáo sư - tiến sĩ (PGS.TS) Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Các y, bác sĩ đang cấy ốc tai điện tử cho cháu bé

Ảnh: BVCC

Cháu bé đã được cấy ốc tai điện tử Neuro Zti, là sản phẩm được sản xuất tại Pháp. 
Bộ ốc tai cấy trong thiết kế thành một khối, với diện tích nhỏ nhất và mỏng nhất trên thị trường, có độ chịu lực cao nhất (7 Jules), chuỗi điện cực thẳng, mềm mỏng giúp chèn vào ốc tai dễ dàng, bảo tồn cấu trúc còn lại trong ốc tai và có 20 hạt điện cực tròn giúp tối ưu hóa bề mặt tiếp xúc cũng như kích thích thần kinh thính giác. Chi phí cho mỗi ca cấy ghép ốc tai điện tử như trên hiện nay có giá từ 300-500 triệu đồng.

Cơ hội cho nhiều người khiếm thính

Theo GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, phẫu thuật cấy ốc tai điện tử đang ngày càng được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam và việc triển khai cấy ốc tai tại khoa Tai Mũi Họng sẽ giúp cho các bệnh nhân khiếm thính, điếc nặng và sâu tại địa phương có thể tiếp cận với thế giới âm thanh, hòa nhập với cộng đồng và giao tiếp xã hội.
Cũng theo GS Phạm Như Hiệp, mất thính giác ảnh hưởng đến hàng triệu người ở mọi lứa tuổi trên toàn thế giới. Hầu hết những trẻ bị khiếm thính bẩm sinh với điếc sâu hai tai, máy trợ thính mang lại lợi ích rất hạn chế. 
Không giống như máy trợ thính, ốc tai điện tử đòi hỏi phải phẫu thuật cấy ghép vào bên trong ốc tai và hoạt động khác với máy trợ thính. Thay vì khuếch đại âm thanh dựa vào chức năng tế bào lông thính giác còn lại, nó giúp người dùng cảm nhận âm thanh bằng cách xử lý thành xung điện, kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác bỏ qua phần tế bào lông thính giác bị tổn thương, giúp cho những người bị nghe kém từ mức độ nặng đến điếc sâu vẫn có thể hiểu lời nói tốt hơn.
Cấy ghép ốc tai điện tử được xem như là một vị cứu tinh của trẻ điếc bẩm sinh đã đem lại cơ hội cho những đứa trẻ này có khả năng nghe và phát triển ngôn ngữ, hòa nhập với cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.