Theo Daily Mail ngày 17.1, các nhà nghiên cứu của Đại học Sheffield (Anh), Bệnh viện Nhi Boston và trường Y Harvard (Mỹ) đã tạo nên “chú robot” đầu tiên này - đó là một thiết bị nhỏ được gắn chặt vào thực quản bằng hai chiếc vòng.
Thiết bị có một động cơ giúp kích thích các tế bào phát triển trong cơ thể các bé. “Chú robot” này được thiết kế rất mềm và dai, không thấm nước, không gây trầy da, không phá hủy các tế bào bên trong cơ thể và có thể được cấy cho điều trị lâu dài.
TS Dana Damian, một trong những nhà nghiên cứu của Đại học Sheffield, nói trên trang web của trường rằng thiết bị này sẽ giúp nâng cao chất lượng điều trị và giải quyết được những tác dụng phụ do các kỹ thuật hiện tại đang áp dụng gây ra.
“Thiết bị này đóng vai trò như một bác sĩ, giúp theo dõi và báo tín hiệu cho các bác sĩ đang điều trị các bệnh nhân này biết có vấn đề gì đã xảy ra bên trong cơ thể người bệnh để có thể thay đổi được phương pháp điều trị khi cần”, TS Damian cho biết thêm.
Trẻ có thể tự do di chuyển sau khi đã được cấy ghép thiết bị này và có thể tiếp xúc với cha mẹ trong khi điều trị để giảm bớt lo lắng cho cả hai.
Teo thực quản bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh tắc đường tiêu hóa cao hiếm gặp, với tần suất khoảng 1/5.000. Trẻ bị dị tật này thường bị tím tái ngay lần bú đầu tiên, ho sặc, nôn ói. Ngoài ra, bụng trẻ trướng lớn do dạ dày nhiều hơn hoặc ngược lại.
Ở Mỹ và châu Âu, trong 4.000 trẻ sinh ra, có một trẻ bị dị tật này. Những trẻ này có thể tử vong nếu dị tật này không được điều trị, theo Daily Mail.
Bình luận (0)