Cây sâm Ngọc Linh 'tổ' giá nửa tỉ đồng, được bảo vệ 5 vòng nghiêm ngặt

Một gốc sâm Ngọc Linh rừng tuổi đời không dưới 100 năm được người dân mang về trồng suốt hơn 20 năm qua và được phong là “sâm tổ”, giờ mới tình cờ tiết lộ.

“Báu vật” trị giá nửa tỉ đồng
Trong chuyến khảo sát vùng trồng sâm của người dân và tiến hành chi trả dịch vụ môi trường rừng hồi cuối tuần qua tại xã Trà Linh, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tình cờ được người dân địa phương giới thiệu về gốc sâm Ngọc Linh “khủng” đang sinh trưởng trong vườn sâm của một hộ dân ở thôn 3.
Đây được cho là gốc sâm Ngọc Linh lớn nhất với trọng lượng dự đoán lên đến 1,2kg, có 7 nhánh. Đo từ dưới mặt đất, cây sâm này cao ngót 1,2 mét.
Gốc sâm Ngọc Linh này cao khoảng 1,2 mét Ông Hồ Quang Bửu cung cấp
Chủ nhân gốc sâm Ngọc Linh “khủng” này là ông Hồ Kim Lĩnh, 44 tuổi. Ông Lĩnh, vốn đang sở hữu vườn sâm rộng 1,4 ha ở thôn 3 Trà Linh trị giá 60-70 tỉ đồng, cũng là một trong số những người trồng sâm nhiều ở Trà Linh.
Tuy nhiên, gốc sâm Ngọc Linh “khủng” mà ông đang sở hữu bấy lâu nay mới đích thực là “báu vật”. Bởi mỗi năm, gốc sâm 7 nhánh này cho đến 1.000 hạt để gây giống, trong khi cây sâm thường chỉ cho tối đa 50 hạt/năm. Gốc sâm “khủng” này được ông Lĩnh phát hiện và mang về trồng ở vườn nhà đã hơn 20 năm nay.
“Ông ấy bảo vệ rất nghiêm ngặt, với 5 vòng bảo vệ và rất bí mật. Tôi dọ hỏi về mức giá có thể bán gốc sâm này, ông Lĩnh quả quyết rằng có trả trên 500 triệu đồng cũng quyết không bán!”, ông Hồ Quang Bửu kể.
Bất ngờ “sâm tổ”
Tất nhiên nhiều người dân ở thôn 3 Trà Linh đã biết được gốc sâm “khủng” này từ lâu nhưng họ không chịu tiết lộ ra ngoài. Thậm chí, họ tự phong gốc sâm này là “sâm tổ”.
Một phần củ sâm lộ thiên, tương quan với kích cỡ bao thuốc lá ÔNG HỒ QUANG BỬU CUNG CẤP
Cận cảnh gốc "sâm tổ" ÔNG HỒ QUANG BỬU CUNG CẤP
Theo ước đoán, nếu tính cả thời gian hơn 20 năm được chăm sóc trong vườn sâm riêng của ông Lĩnh, gốc sâm này có tuổi đời không dưới 100 năm.
Qua cách người dân đối xử với gốc sâm này, nhiều người nhận thấy đây đúng là “sâm tổ”.
“Khi tôi ngỏ ý xin 1 lá sâm mang về nghiên cứu, ông Lĩnh hơi lưỡng lự. Sau đó ông ấy vẫn cho, nhưng lại… ngắt một tí ở phần đuôi lá đã cho rồi thả lại chỗ gốc sâm. Như một kiểu “làm phép” mà ta vẫn thấy khi đồng bào vùng cao khi họ uống rượu cần”, ông Hồ Quang Bửu kể với PV Thanh Niên.
Nhưng điều khiến vị lãnh đạo huyện Nam Trà My vui mừng hơn cả chính là tinh thần “bảo vệ đến cùng” đối với sâm Ngọc Linh gốc, và thi thoảng lại phát hiện những “báu vật” như thế ở dưới tán rừng già Ngọc Linh.
“Đây là những gốc sâm tốt và được người dân bảo vệ. Họ cũng quyết bảo vệ rừng để trồng sâm, đó là điều còn quý hơn. Tôi rất bất ngờ trước tinh thần giữ rừng của đồng bào, và rất khí thế khi tham gia trồng sâm Ngọc Linh. Họ không chặt lấy một cây rừng nào!”, ông Bửu đánh giá.
Đây là củ sâm Ngọc Linh rừng “khủng” thứ 2 được biết đến từ khi củ sâm 7 nhánh do cha con ông Hồ Văn Hạnh (ở thôn 4 xã Trà Linh) tìm thấy trong một lần đi rừng cách đó hơn 1 tuần. Thông qua một người môi giới, củ sâm bán được gần 200 triệu đồng và lập tức gây chú ý về tuổi đời lên đến 100 - 150 năm.
Chính quyền huyện Nam Trà My cũng đã tiếp nhận mẫu vật từ gốc sâm “khủng” này để bảo tồn gien quý. Tại vườn sâm gốc Tăk Ngo ở xã Trà Linh, hiện có nhiều giống sâm rừng cũng đang được bảo tồn, sinh trưởng tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.