Đối với các nhà khoa học thần kinh, kết quả trên là một cột mốc quan trọng vì đây là lần đầu tiên họ sử dụng công nghệ di truyền quang học để trị bệnh ở người mù.
Di truyền quang học sử dụng ánh sáng để điều khiển các tế bào thần kinh. Các nhà khoa học cấy thêm gien cho một loại protein nhạy sáng (gọi là opsin) từ tảo, sau đó chiếu ánh sáng vào để kích hoạt opsin thay đổi hình dạng.
Ông Botond Roska - đồng trưởng nhóm nghiên cứu, bác sĩ kiêm nhà khoa học tại Đại học Basel - cho biết các bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng này đều mắc một căn bệnh di truyền gọi là viêm võng mạc sắc tố và đã mất các tế bào cảm thụ ánh sáng võng mạc - vốn sử dụng opsin để chuyển ánh sáng thành tín hiệu xung điện truyền đến não. Tuy vậy mắt của họ vẫn còn các tế bào hạch để dẫn các tín hiệu đến não thông qua dây thần kinh thị giác.
Điều đó có nghĩa là các bệnh nhân vẫn có thể nhìn được nếu được cấy một loại opsin vào các tế bào hạch này. Tình nguyện viên đầu tiên là 1 người đàn ông Pháp 58 tuổi, bị mù cách đây 40 năm. Lúc đầu thử nghiệm, ông có thể cảm nhận được ánh sáng nhưng không thể phân biệt được hình dạng đồ vật. Sau đó mắt ông được tiêm 1 loại vi rút có gien chứa protein nhạy sáng từ tảo.
Sau vài tháng, các tế bào hạch trong mắt bệnh nhân bắt đầu sản xuất protein mới. Ông được đeo kính bảo hộ đặc biệt để giúp khuếch đại ánh sáng và tập trung ánh sáng vào võng mạc ở bước sóng mà opsin cảm nhận được. Nhờ vậy ông có thể nhìn thấy các sọc trắng ở làn đường dành cho người đi bộ, theo trang Sciencemag.
Dần dần, người này có thể tự tìm và xác định những đồ vật xung quanh, tất nhiên là với sự giúp sức của kính bảo hộ. Các nhà khoa học cũng ghi nhận được tín hiệu hoạt động trong vỏ não thị giác của ông.
Tuy chưa giúp người mù nhận diện màu sắc, phân biệt được khuôn mặt hoặc chữ cái, nhưng phương pháp điều trị mới này hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy công nghệ thị lực cho người mù trong tương lai.
Bình luận (0)