Cây trồng biến đổi gen và giải pháp cho người nông dân

06/06/2018 16:04 GMT+7

Khi thế giới đối mặt với nhu cầu lương thực tăng cao và những đe dọa thiên tai như lũ lụt, xâm nhập mặn, thực phẩm biến đổi gen (GMO) đã trở thành một phần quan trọng trong nền nông nghiệp toàn cầu.

Việt Nam cũng đang trong xu thế tăng diện tích trồng GMO. Dù theo trường phái nào, ủng hộ hay không ủng hộ thì đến lúc này chưa có ai có thể phủ nhận được độ phủ sóng ngày càng rộng của những sản phẩm về cây trồng biến đổi gen.

Hiểu đúng về cây trồng biến đổi gen (GMO)

Ngay từ buổi đầu của nền văn minh nông nghiệp, con người cũng đã biết áp dụng sinh sản có chọn lọc trong sản xuất. Người nông dân khi đó đã biết lựa chọn các giống cây mang nhiều tính trội từ tự nhiên để phục vụ cho sản xuất nuôi trồng. Bằng phương pháp chọn lọc và lai ghép giống, con người đã biết can thiệp vào gen của cây trồng và vật nuôi để cho ra giống mới mang nhiều đặc tính như mong muốn.
Theo tiến sĩ Hennie Groenewaldm, Giám đốc Điều hành Trung tâm An toàn Sinh học Nam Phi thì cây trồng biến đổi gen là loại cây được lai tạo ra bằng cách sử dụng các kỹ thuật của công nghệ sinh học hiện đại, hay còn gọi là kỹ thuật di truyền để sửa đổi, cắt ghép gen, gen trội được định vị, tạo ra giống mới có tính trạng như mong muốn.
Biến đổi di truyền ngày nay diễn ra trong phòng thí nghiệm công nghệ cao đã giúp con người trong thời gian ngắn, tạo ra được nhiều giống mới mang nhiều tính trội hơn so với các phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, khi dân số thế giới ngày càng tăng, an ninh lương thực bị đe doạ, công nghệ chọn tạo giống mới có năng suất cao hơn, thích nghi ở nhiều môi trường dường như là xu thế tất yếu của nông nghiệp.
Những tranh cãi chưa hồi kết
Tuy nhiên, những ưu điểm trên vẫn không làm các cuộc tranh luận về GMO hạ nhiệt. Bên cạnh các cuộc tranh luận về tác hại sức khỏe mà GMO mang lại, những lợi ích của GMO cũng chưa được biết đến rộng rãi. Thêm vào đó, một số người cũng e ngại việc biến đổi gen thông qua công nghệ sinh học sẽ bị mất kiểm soát, tạo ra những giống loài “phi tự nhiên”, tác động xấu đến hệ sinh thái môi trường.
Dù có một làn sóng phản đối việc trồng cây GMO ở châu Âu nhưng EU không thể phủ nhận để đáp ứng nhu cầu của khu vực về đậu nành thì mỗi năm EU cũng phải nhập khẩu hơn 60 kg/người và đa số là sản phẩm biến đổi gen. Hiển nhiên, những sản phẩm nhập khẩu đã được thông qua và chứng nhận về độ an toàn và chất lượng bởi các cơ quan giám sát.
GS-TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp, nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực di truyền khẳng định: “Trong văn y chính thức của thế giới chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi do sản phẩm GMO gây ra. Sau hơn 20 năm sử dụng với quy mô hàng trăm triệu ha và hàng tỉ tấn sản phẩm hằng năm, chưa ai tìm được các bằng chứng khoa học về những rủi ro mà GMO mang lại”.

GMO và nông dân Việt Nam

Trên thế giới, GMO được trồng với mục đích thương mại từ giữa những năm 1990 và là sản phẩm nông nghiệp được nghiên cứu, kiểm soát chặt chẽ nhất trên thế giới. Các tổ chức độc lập như Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho biết thực phẩm từ GMO đảm bảo an toàn như thực phẩm thông thường. Trong năm 2015, cây trồng biến đổi gen đã được trồng ở 28 quốc gia trên thế giới với 1,81 triệu km vuông, tương đương 180 triệu ha, gấp 5 lần diện tích nước Đức.
Tại Việt Nam, giống ngô biến đổi gen được trồng vào năm 2015, sản lượng ngô biến đổi gen tự sản xuất cũng còn hạn chế. Tuy vậy, số lượng sản phẩm biến đổi gen được nhập khẩu về lớn hơn rất nhiều.
“Nói về kiểm soát độ an toàn, có thể nói là hệ thống kiểm soát an toàn sinh học sản phẩm biến đổi gen hiện nay ở Việt Nam hoạt động khá hiệu quả. Đó là quy chế sản phẩm biến đổi gen chỉ được sử dụng ở Việt Nam sau khi đã được sử dụng ở 5 nước phát triển với cùng mục đích. Do đó, người tiêu dùng có thể tin rằng tất cả các sản phẩm biến đổi gen được nhập khẩu về Việt Nam đều đã được các nước như Mỹ, Nhật, Canada, Australia, Hàn Quốc, EU… sử dụng với cùng mục đích. Ngoài ra, tất cả các quyết định liên quan đến sử dụng, sản xuất sản phẩm biến đổi gen ở Việt Nam đều có sự tham gia của đại diện 5 Bộ: Khoa học Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Tài nguyên Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Mọi khía cạnh đều được cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định”, ông Hàm cho biết.
Cũng theo ông Hàm, nền nông nghiệp dựa trên các phương thức sản xuất và chọn tạo giống mới, phi truyền thống là tất yếu trong tương lai. Chỉ có vậy mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho lượng dân số khổng lồ ngày một tăng trên trái đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.