Cây trồng biến đổi gien đối với nông nghiệp bền vững

20/10/2022 08:42 GMT+7

Cuối tháng 8 vừa qua, Tiến sĩ Graham Brookes thuộc Viện Nghiên cứu PG Economic (Vương quốc Anh) đã công bố nghiên cứu về tác động của việc sử dụng cây trồng biến đổi gien ở cấp độ thu nhập nông hộ và sản xuất nông nghiệp từ năm 1996 - 2020.

Lợi ích của ứng dụng công nghệ sinh học

Nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích kinh tế nổi bật ở cấp độ nông hộ dành cho nông dân trong giai đoạn 1996 - 2020, cụ thể là tổng thu nhập tích lũy gia tăng khi trồng cây biến đổi gien (BĐG) là 261,3 triệu USD - tương đương mức tăng khoảng 112 USD trên mỗi ha gieo trồng. Riêng trong năm 2020, mức thu nhập gia tăng mà nông dân trồng cây BĐG thu về là 18,8 triệu USD (tương đương mức tăng 103 USD/ha).

Cây trồng biến đổi gien ngày càng phổ biến trên thế giới

croplife

Đáng chú ý, nghiên cứu cũng tiếp tục cho thấy cây trồng BĐG đang mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân canh tác quy mô nhỏ lớn hơn so với nông dân tại các nước có quy mô nông trại lớn; cụ thể là mức tăng thu nhập được chia 52% cho nông dân các nước đang phát triển và 48% cho nông dân các nước phát triển. Khi đi sâu vào đánh giá đâu là các yếu tố giúp gia tăng thu nhập, nghiên cứu kết luận 72% đến từ việc tăng năng suất và sản lượng, 28% đến từ chi phí cắt giảm tiết kiệm được khi công lao động giảm.

Chỉ tính riêng năm 2020 trên 4 loại cây trồng chính, công nghệ BĐG đã tạo ra thêm 85 triệu tấn đậu tương, ngô, bông, cải dầu. Nếu không có công nghệ này, ước tính nông dân sẽ phải cần thêm 23,4 triệu ha đất nông nghiệp để có thể đạt được mức sản lượng gia tăng tương đương. Hiện nay, nhiều quốc gia ở châu Phi, Nam Mỹ, châu Âu đã thúc đẩy việc áp dụng cây trồng, phê duyệt việc sử dụng giống BĐG để đối phó việc đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Mới đây nhất, Indonesia đã phê duyệt nhập khẩu giống đậu tương BĐG để sản xuất trong nước.

VN cần cú hích để chuyển biến

Một số thống kê chỉ ra rằng, VN cũng như các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới đang nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu để phục vụ ngành chăn nuôi và thủy sản, tiêu tốn hàng tỉ USD mỗi năm. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (TACN) tại VN hiện nay chủ yếu là từ cây trồng BĐG (ngô, đậu tương, các loại khô dầu ngô, bông, đậu tương, cải dầu...).

Để tự chủ nguồn cung TACN, một trong các giải pháp cần thiết là khuyến khích đẩy nhanh tốc độ đăng ký và giới thiệu các giống cây trồng mới, trong đó có các giống cây trồng BĐG để giúp nông dân có đủ công cụ, thích ứng tốt hơn với điều kiện canh tác ngày càng khắc nghiệt, cải thiện năng suất và thu nhập… Quyết định 11/2006/QĐ-TTg đã phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực NN-PTNT đến năm 2020”, trong đó đưa ra định hướng tới năm 2020, diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng trọt các giống cây trồng BĐG chiếm 30 - 50%. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, việc thực thi các quy định pháp lý liên quan tới cây trồng BĐG, đặc biệt là cấp phép cho các giống ngô BĐG mới là chậm trễ và không nhất quán, ảnh hưởng đến việc đưa công nghệ hạt giống mới ra thị trường, làm giảm khả năng tiếp cận của nông dân với các giống cây mang tính trạng cải tiến thế hệ mới, bao gồm cả giống ngô BĐG. Điều này dẫn tới hệ lụy là diện tích trồng ngô trong nước đang giảm mạnh, các giống ngô có đặc tính nông sinh học về cải thiện năng suất, chất lượng và tính thích nghi ổn định cao hơn không được đưa ra thị trường để bổ sung hoặc dần thay thế những giống cũ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.