Huế đang những ngày nắng nóng, nên trái vả ở chợ tìm cũng khó; trái vả mùa hạ cũng nhỏ, không xanh và mũm mĩm. Chứ như độ giêng hai, cứ ra tới chợ là gặp vả xanh, trái mô trái nấy to và tươi, nhìn thích mắt lắm mà giá lại rẻ.
"Lòng vả cũng như lòng sung". Câu thành ngữ này về nghĩa thực cho thấy hai loại trái cây này có ruột giống nhau. Nhưng nếu như cây sung mọc tự nhiên thì cây vả được con người trồng trong vườn; cây sung to, cao, trái chi chít thì cây vả thường thấp lé đé nhưng trái cũng bám khắp cành từ gốc đến ngọn. Lá cây sung nhỏ, còn lá cây vả thì thiệt to. Ở miền Bắc quả sung được muối chua thành một món ăn khoái khẩu, còn người Huế không ăn sung chắc là vì lý do đã có trái vả rồi, mà trái vả thì ăn ngon hơn trái sung.
Cây sung không ra hoa như các loài cây thông thường. Quả sung thậm chí không được định nghĩa là thực vật trái cây; chúng là những bông hoa đảo ngược. Ruột sung là một bó hoa nhỏ mọc bên trong. Có lẽ cây vả cũng giống cây sung vậy. Tôi chưa thấy hoa vả bao giờ mà chỉ thấy trái vả. Mà trái vả có ruột đỏ nhìn như những sợi hoa bên trong rất đẹp mắt...
Cây vả được trồng rất nhiều trong những khu vườn xứ Huế. Hầu như vườn nhà nào ở đây cũng có từ một đến vài cây vả. Nhưng càng xa thành phố dần, ở những vùng nông thôn xứ Huế thì cây vả cứ ít dần, ít dần đi. Riêng có một làng quê xứ Huế đặc biệt có rất nhiều cây vả trong vườn đó là làng cổ Phước Tích bên sông Ô Lâu. Đến mùa vả kết trái, mâm cơm dành cho khách của người dân làng Phước Tích đều có các món từ trái vả trong vườn. Bởi thế, mỗi lần về chơi làng Phước Tích tôi cứ ngỡ như một mảnh hồn cỏ cây của kinh thành Huế lạc bước rong chơi ra đến tận chốn thôn quê này…
|
Làng tôi cách làng Phước Tích chừng 30km, cũng bên sông Ô Lâu nhưng hồi xưa chỉ có một cây vả duy nhất ở cạnh cái giếng của chùa làng. Đó là một cây vả to, nhánh vươn ra tứ phía và ra trái đểu đặn mỗi năm. Những đứa trẻ làng quê cứ mãi “nô đùa từ ngoài đồng lúa hay trong sân chùa" như lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã lớn lên qua những mùa lúa chín và trong hương sắc hoa trái hiền hòa của ngôi chùa làng. Nhưng lũ trẻ đó cũng quá hoang nghịch với những trò bẻ phượng, bắt chim và vặt quả non. Những trái vả chưa đủ lớn đã bị chúng tôi hái trộm vào những buổi trưa để chấm muối ăn. Vị trái vả non chấm muối chỉ thấy chát và mặn chứ chẳng ngon lành chi cả, nhưng đó là một thú vui con trẻ... Cây vả và cả cái giếng trong sân chùa bây chừ không còn nữa, thay vào đó là một cái sân lát bê tông. Có một khoảng mênh mông nhớ của tôi mỗi lần đến thăm chùa làm mắt tôi nghèn nghẹn nước...
Món ăn từ vả thì nhiều. Vả non luộc đi, xắt mỏng ra rồi trộn với thịt heo ba chỉ (món chay thì trộn với đậu phụng rang) dùng bánh tráng nướng xúc ăn được gọi tên theo kiểu Huế là món "vả xúc bánh tráng". Vả cắt miếng hầm với xương heo, vả dầm chua ngọt... Đó là các món chế biến từ trải vả đã luộc. Còn trái vả tươi thì có mặt trong nhiều dĩa rau sống của người Huế. Món ăn đơn giản nhất từ trái vả đó là kẹp rau thơm chấm ruốc, mát lành và tốn cơm. Mà với người Huế, cứ món ăn chi tươi tươi từ thịt bò thui, mực tươi hay sứa biển thì dĩa rau sống đi kèm phải có mấy lát vả tươi. Nhưng có lẽ, vả tươi ăn đúng điệu Huế nhất đó là khi đi kèm với rau thơm để ăn thịt heo luộc chấm tôm chua. Món này là sự tổng hòa những thức ngon riêng có của xứ Huế: vị chua đặc trưng từ món tôm rằn phá Tam Giang lên men, mùi thơm thanh thanh của mấy cọng rau thơm vườn, vị chát vừa phải của trái vả làm cho lát thịt heo bớt đi vị béo ngậy...
Trái vả là một thứ trái vườn xứ Huế sạch và lành. Trong mâm kỵ của gia đình Huế xưa không thể thiếu mấy món chế biến từ vả như vả trộn, vả kho, vả làm rau sống... Sau này người ta còn làm trà từ trái vả khô và đặc biệt là món rượu vả được chưng cất ở các biệt thự trên đỉnh núi Bạch Mã. Đó cũng là cách mang hương vị đặc trưng của một loài cây trái mát lành đất Cố đô đi khắp đó đây...
|
Bình luận (0)