CDC Tiền Giang còn nợ Công ty Việt Á hơn 3,6 tỉ đồng

11/05/2022 12:01 GMT+7

Kết luận của Thanh tra tỉnh Tiền Giang cho thấy Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang còn nợ hơn 3,6 tỉ đồng tiền mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Ngày 11.5, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, ông Hồ Hữu Nghị, Chánh thanh tra tỉnh Tiền Giang, đã ký kết luận “Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong 2 năm 2020 và 2021”.

Theo đó, CDC tỉnh Tiền Giang hiện còn nợ hơn 3,6 tỉ đồng tiền mua kit xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR của Công ty Việt Á.

Theo giải trình của CDC Tiền Giang, tháng 8.2021, Bộ Y tế giao cho Sở Y tế Tiền Giang 2 máy RT-PCR (2 máy đọc và 1 máy tách chiết). Sau đó, Sở Y tế giao cho CDC Tiền Giang 1 máy đọc và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) trung tâm tỉnh Tiền Giang 1 máy đọc và 1 máy tách chiết. Do không có máy tách chiết nên CDC Tiền Giang không hoạt động được. Theo đề nghị và được Sở Y tế chấp thuận điều động máy tách chiết từ BVĐK sang cho CDC để đảm bảo cho hệ thống hoạt động.

Ngay sau đó, CDC Tiền Giang yêu cầu Công ty Việt Á cử nhân viên kỹ thuật xuống lắp đặt, vận hành, hướng dẫn sử dụng. Công ty Việt Á đã tặng kit test của công ty gồm hóa chất, sinh phẩm để chạy thử và phù hợp với loại máy này. Từ đó, CDC Tiền Giang đã thương thảo, thỏa thuận mua chỉ định 1 gói thầu giá trị 19,5 tỉ đồng của Công ty Việt Á.

Thực hiện trong phạm vi gói thầu, Việt Á đã cung cấp 73.296 sản phẩm gồm hóa chất phát hiện Covid-19, hóa chất chiết tách tự động Covid-19 cho CDC Tiền Giang với tổng giá trị hơn 19,5 tỉ đồng. Đến đến tháng 11.2021, CDC Tiền Giang đã thanh toán hơn 15,8 tỉ đồng, còn nợ lại của Việt Á hơn 3,6 tỉ đồng.

Vẫn theo Chánh Thanh tra tỉnh Tiền Giang, tuy những vấn đề mua sắm trang thiết bị từ Công ty Việt Á đang được Bộ Công an điều tra nhưng đoàn thanh tra đã yêu cầu các đơn vị có mua sản phẩm của Việt Á có báo cáo để tổng hợp nhằm đạt được tính toàn diện trong kế hoạch thanh tra.

Bắt tạm giam Giám đốc CDC Hậu Giang liên quan đến công ty Việt Á

Mua kit test nhanh 122.640 đồng/test vì không ứng được tiền

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Tiền Giang, trong năm 2021, tỉnh Tiền Giang triển khai 3 đợt chiến dịch tầm soát Covid-19 trong cộng đồng với tổng giá trị của 3 gói thầu mua kist test nhanh gần 144 tỉ đồng. Trong đó, chiến dịch lần 1 mua 638.000 test nhanh với giá 122.640 đồng/test; chiến dịch lần 2 mua 440.000 test, giá 109.500 đồng/test; chiến dịch lần 3 mua 160.000 test, giá 109.500 đồng/test.

Trong đó, kit test của chiến dịch lần 1 là 122.640 đồng/test, tổng giá trị hơn 83 tỉ đồng, cao hơn đơn vị chào giá thấp nhất khi đó đến 17.640 đồng/test.

Cụ thể, CDC Tiền Giang đã không mua được test nhanh xuất xứ Hàn Quốc của một doanh nghiệp chào giá 105.000 đồng/test vì không thể ứng tiền trước, cũng như chưa thể ký kết hợp đồng theo yêu cầu của doanh nghiệp này.

Do tính cấp bách, khi đó, ngày 18.8.2021, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Sở Y tế liên hệ mua của test nhanh kháng nguyên Covid-19 của Công ty Kiến Đức (trụ sở tại TP.HCM) với giá 122.640 đồng/test. Trong gói thầu này, CDC đã có đơn gửi UBND tỉnh xin không tham gia nên Sở Y tế thực hiện hợp đồng với Công ty Kiến Đức.

Những hình ảnh quen thuộc tại Tiền Giang trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát

BẮC BÌNH

Tổng kinh phí phòng chống dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 - 2021 của tỉnh Tiền Giang hơn 1.366 tỉ đồng, trong đó có 43 đơn vị mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch với 573 gói thầu giá trị hơn 801 tỉ đồng (bao gồm cả gói thầu của Công ty Việt Á).

Trong đó, UBND tỉnh Tiền Giang duyệt mua 127 gói thầu, giá trị 730,6 tỉ đồng; Sở Y tế và UBND cấp huyện mua 140 gói thầu, trị giá 53,7 tỉ đồng; các đơn vị khác tự thực hiện mua sắm 306 gói thầu, giá trị hơn 17 tỉ đồng. Và trong đó, 524 gói thầu được mua với hình thức chỉ định thầu rút gọn, giá trị 764,6 tỉ đồng, còn lại là đấu thầu qua mạng (8 gói) và mua thông qua lựa chọn nhà thầu đến chào hàng, ra giá, thương thảo và được chấp nhận.

Đoàn thanh tra đã làm rõ 286/573 gói thầu mua sắm và đã vạch ra nhiều sai phạm, thiếu sót của các đơn vị thực hiện. Trong đó, Trung tâm Y tế TX.Cai Lậy mua thiết bị y tế giá trị hơn 3,6 tỉ đồng nhưng đến nay chưa xác định được nguồn vốn để chi trả.

Việc sử dụng trang thiết bị y tế còn tồn kho rất lớn. Tại thời điểm ngày 31.12.2021, thống kê tại 25 đơn vị có điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tồn kho với tổng giá 64 tỉ đồng. Đến ngày 28.2.2022 tổng giá trị còn tồn kho 45 tỉ đồng. Cá biệt, có Trung tâm Y tế TP.Mỹ Tho, CDC Tiền Giang và Gò Công Đông tồn thiết bị y tế với tổng giá trị tại mỗi đơn vị hơn 6,5 tỉ đồng, Tân Phước hơn 1 tỉ đồng… 8/11 Trung tâm Y tế không công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tiền Giang khi lập giá của 2 gói thầu "cung cấp vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19" mỗi gói thầu có lấy 3 bảng báo giá nhưng trên thực tế chỉ có 1 bảng giá là thật…

Xử lý trách nhiệm ra sao?

Từ các thiếu sót, sai phạm nêu trên, Thanh tra tỉnh Tiền Giang kiến nghị ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu và lĩnh vực trực tiếp phụ trách; các Phó giám đốc Sở chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực, công việc được phân công phụ trách đối với các sai sót, hạn chế đã nêu ra.

Ông Nguyễn Khánh Hòa Đồng, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở Y tế chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu tham mưu Giám đốc Sở và các công chức của Phòng có liên quan. Trong đó có 2 ông Phan Văn Hưng, công chức thuộc biên chế của Phòng và ông Nguyễn Tấn Sang, nhân viên Trung tâm mua sắm công tỉnh Tiền Giang (biệt phái hỗ trợ Sở Y tế) được phân công thực hiện nghiệp vụ về mua sắm đã không tham mưu báo cáo đầy đủ, trung thực thông tin về lựa chọn nhà thầu cho cơ quan có thẩm quyền, không cung cấp đầy đủ thông tin liên quan theo yêu cầu của Đoàn thanh tra đối với gói thầu mua sắm hệ thống oxy y tế tuyến huyện và các sai sót, hạn chế thuộc trách nhiệm của Phòng.

Thanh tra tỉnh Tiền Giang yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật do có những thiếu sót liên quan các tổ chức, cá nhân là ông Nguyễn Khánh Hòa Đồng và ông Nguyễn Tấn Sang. Giám đốc Sở Y tế chủ trì tổ chức cuộc họp Ban Giám đốc, trưởng phòng có liên quan, Giám đốc các BVĐK, Bệnh viện chuyên khoa, Bệnh viện dã chiến, Giám đốc các Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Trung tâm mua sắm công, Trung tâm Y tế các cấp huyện,…để đánh giá lại quá trình thực hiện nhiệm vụ và rút kinh nghiệm. Riêng các vấn đề liên quan việc mua sắm từ Công ty Việt Á sẽ chờ kết luận điều tra của Bộ Công an mới có hướng xử lý tiếp theo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.