Chia sẻ trên được ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, nêu tại hội thảo "Hàng không - du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững" do Báo Nhân dân tổ chức chiều 12.6.
Thái Lan có giá trần đâu mà hàng không phát triển như vậy?
Theo CEO Bamboo Airways, giá vé máy bay chỉ hạ nhiệt khi số lượng vé máy bay tăng lên. Trước dịch Covid-19, số lượng máy bay của Việt Nam là hơn 230 chiếc, nhưng hiện tại chỉ còn hơn 160 máy bay được khai thác.
Ngoài số máy bay bị triệu hồi do lỗi động cơ, Bamboo Airways giảm bớt số lượng máy bay để trả bớt nợ, tái cơ cấu. Pacific Airlines thậm chí trả hết máy bay để giảm khoản nợ 220 triệu USD.
Để "bù" số máy bay thiếu hụt lên tới 60 - 70 chiếc so với nhu cầu, theo ông Lương Hoài Nam là không khó. Số máy bay cho thuê của thế giới rất lớn, song các hãng hàng không trong nước cũng không mặn mà đưa thêm máy bay về, vì nguyên nhân sâu xa là "bay nội địa không có lãi, càng bay nhiều càng lỗ".
"Xây khách sạn mất 5 năm, còn máy bay thuê ướt (thuê kèm tổ bay, dịch vụ bảo dưỡng, bảo hiểm) mất 15 - 30 ngày, thuê khô (chỉ thuê máy bay) mất 3 tháng là cùng. Tuy nhiên, hãng bay không cố gắng đưa máy bay về vì không có động lực kinh doanh, càng bay nhiều lỗ nhiều", ông Nam chia sẻ.
Với mặt bằng chi phí hiện nay, cơ chế giá trần duy trì từ thời bao cấp, bay nội địa có lãi là không khả thi. "Các nước phát triển đều không còn giá trần. Thái Lan không có giá trần nhưng hàng không vẫn rất phát triển. Không nên nhầm lẫn việc bỏ giá trần sẽ làm tăng giá vé máy bay, vì thực tế hàng không còn phải "nhìn nhau", không chỉ cạnh tranh lẫn nhau mà còn phải cạnh tranh với cả đường bộ, đường sắt. Không hãng nào dám tăng giá quá cao", ông Lương Hoài Nam nhìn nhận.
CEO Bamboo Airways cũng dẫn chứng, giá vé bình quân của Bamboo năm 2023 là 1,66 triệu đồng/chiều Hà Nội - TP.HCM khi giá trần là 3,2 triệu đồng. Tới khi giá trần tăng lên 3,4 triệu đồng, giá bình quân chặng bay này của hãng cũng chỉ 1,8 triệu đồng/chiều.
Giá vé cao người dân sẽ chọn đi du lịch nước ngoài
Ông Chính dẫn chứng, giá vé máy bay ở Thái Lan rẻ vì có nhiều hãng cùng khai thác. Trong khi Việt Nam chỉ có 2 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines và Vietjet, chiếm thị phần gần như toàn bộ trong nước hiện nay.
Việc giá vé tăng cao khiến nhiều gia đình Việt Nam sẽ đi du lịch nước ngoài thay vì du lịch trong nước, khiến du lịch nội địa không phát triển. Đáng chú ý, theo ông Chính, chính sách thời gian nhận, trả phòng đang áp dụng theo khung cứng mà chưa có sự linh hoạt. Trong khi đó, việc nhận và trả phòng linh hoạt là một định hình mới trong ngành khách sạn mà các doanh nghiệp du lịch cũng cần phải thay đổi theo xu thế.
Về giải pháp giảm giá vé máy bay, ông Chính đề xuất, Chính phủ có thể hỗ trợ ngành hàng không như giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa như năm 2021.
Cạnh đó, có thể trợ giá để giúp doanh nghiệp hàng không bù đắp chi phí và duy trì hoạt động, kích cầu cho cả hai ngành du lịch và hàng không. Đặc biệt, ông Chính đề xuất, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các hãng hàng không quốc tế đầu tư vào Việt Nam, theo hướng tăng tỷ lệ đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài lên tối đa 49% thay vì 34% như hiện nay.
Bà Lương Thị Hoàng Lan, Giám đốc kinh doanh khối Du lịch nghỉ dưỡng, Tập đoàn Sun Group, đánh giá: "Sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa địa phương-du lịch-hàng không, không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các điểm đến trong nước, mà còn làm ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên và gián tiếp hạn chế khả năng tăng tốc phát triển của ngành du lịch Việt Nam và sự tăng trưởng của nền kinh tế”.
Bình luận (0)