CEO Gojek Việt Nam Phùng Tuấn Đức: ‘Chúng tôi không cố giành giật thị trường’

18/07/2020 19:36 GMT+7

Trước câu hỏi về sự cạnh tranh với Grab trong bối cảnh GoViet trở thành Gojek Việt Nam, CEO Phùng Tuấn Đức cho biết Gojek không coi đây là một cuộc đua tốc độ. Ông cũng không lo màu áo mới bị nhầm lẫn với đối thủ.

Đầu tháng 7 vừa qua, GoViet thông báo về quyết định hợp nhất với Gojek, trở thành Gojek Việt Nam, đồng thời công bố Tổng giám đốc mới - ông Phùng Tuấn Đức. Đi cùng sự thay đổi này, hãng sẽ chuyển từ màu áo đỏ sang màu xanh lá cây như đồng phục của Gojek tại Indonesia, trụ sở của tập đoàn nổi tiếng được thành lập hồi 2010. Với lần “thay áo” này, Gojek Việt Nam cho biết sẽ đem đến cho người dùng một “siêu ứng dụng” giải quyết được các nhu cầu khác nhau ngoài ba dịch vụ hiện tại (GoBike, GoFood và GoSend). Mới đây, CEO Phùng Tuấn Đức đã có những chia sẻ với Thanh Niên về kế hoạch phát triển sắp tới của Gojek và giải thích lý do đổi sang màu áo mới, dù dễ gây nhầm lẫn với đối thủ.
* Xét về thời điểm thành lập, Gojek xuất hiện trước Grab khi một bên ra mắt vào năm 2010 và một bên là năm 2011. Tuy nhiên, Grab vào thị trường Việt Nam trước Gojek và người dùng trong nước khó thay đổi quan điểm cố hữu: màu đỏ là GoViet, còn màu xanh lá cây là Grab. Ông có lo sợ việc đổi màu áo xanh sẽ bị nhầm lẫn với đối thủ?
- Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam: Thực ra màu xanh đã được ra đời cùng với Gojek từ năm 2010 trước khi bất kỳ hãng xe công nghệ nào khác sử dụng màu xanh này, đây là màu nguyên thủy của Gojek. Khi triển khai thương hiệu này ở Việt Nam thì chắc chắn chúng tôi vẫn sẽ đi theo định vị thương hiệu toàn cầu của Gojek, nên không thể thay đổi được màu áo. Bản thân tôi cũng như những người gắn bó với GoViet trong 2 năm qua đều có những tiếc nuối với màu áo đỏ. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu những thay đổi sắp tới sẽ mang lại những dịch vụ mới cho người dùng, những sản phẩm, tính năng mà thị trường đang trông đợi. Với những dịch vụ sắp ra mắt, khách hàng sẽ thấy một ứng dụng có thể mang đến nhiều tiện ích nữa chứ không còn chỉ giới hạn ở ba dịch vụ như hiện nay.
Việc nhầm lẫn giữa các thương hiệu thực ra là do mọi người đang hình dung trước về bộ mặt đường phố khi Gojek chính thức ra mắt thôi. Trên thực tế, hành trình của khách hàng bắt đầu từ lúc mở ứng dụng. Khi đứng trước các sự lựa chọn, người dùng sẽ không dựa vào màu sắc mà dựa vào chính trải nghiệm của họ với ứng dụng, với công ty đó. Chúng ta đã qua rồi thời đi trên đường gặp mấy tài xế “xe ôm” áo xanh rồi vẫy lại một người như chục năm về trước, nên không lo chuyện nhầm lẫn.
* Khách hàng cũng như đội ngũ tài xế của GoViet phản ứng như thế nào trước việc GoViet hợp nhất với Gojek thưa ông?
- Ngày 3.7, GoViet chính thức thông báo ra thị trường rằng sẽ có sự sáp nhập với thương hiệu Gojek thì chỉ trong vòng một tuần, đã có vài trăm ngàn khách hàng đồng ý bảo lưu thông tin tài khoản của mình (các lịch sử chuyến đi cũng như tất cả thông tin mà GoViet đang có về khách hàng) để chuyển qua ứng dụng mới. Đáng nói, họ chưa biết ứng dụng mới bao giờ ra mắt, bao giờ được tải về và sẽ có những tiện ích gì trên đó, họ chỉ biết Goviet sẽ thay đổi nên họ cũng chuyển qua app mới để tiếp tục đồng hành với chúng tôi. Thậm chí, công ty còn chưa làm những chương trình truyền thông quá mạnh mẽ, chưa có các chương trình thu hút khách hàng qua ứng dụng mới mà chỉ dừng lại ở việc thông báo trên báo chí và mạng xã hội. Đối tác tài xế cũng tương tự, từ ngày thông báo đến giờ thì gần như mọi người đều hiểu sự thay đổi lần này đem lại cho họ những giá trị mới, thể hiện được cam kết của Gojek đó là sẽ phát triển ở thị trường Việt Nam lâu dài. Nếu Gojek không muốn đi đường dài, họ đã không đặt chân đến đây. 

Theo ông Phùng Đức Tuấn, Gojek không xem màn cạnh tranh với các đối thủ là cuộc đua tốc độ, càng không muốn giành giật thị trường

ẢNH: GOJEK VIỆT NAM

 
* Ông đề cập rằng có rất nhiều khách hàng đã đồng ý chuyển qua ứng dụng mới, nhưng đó chỉ là những đối tượng đã sử dụng dịch vụ của GoViet, còn đối tượng khách hàng mới, Gojek sẽ làm gì để thu hút họ?
- Sắp tới, chúng tôi sẽ có chiến dịch truyền thông lớn, giúp cho logo mới, màu sắc, nhận diện thương hiệu được nhiều người biết đến hơn.
* Ông nhận thấy sự giống và khác biệt của Gojek ở thị trường Việt Nam như thế nào so với thị trường Indonesia hay các thị trường khác?
- Thực ra thị trường Việt Nam thì rất giống với Indonesia. Đó cũng là lý do mà Việt Nam trở thành quốc gia trọng điểm trong chiến lược phát triển thị trường quốc tế của Gojek. Việt Nam và Indonesia đều là hai quốc gia rất đông dân trong khu vực. Khi dân số đông, đặc biệt tập trung ở thành thị, với mức thu nhập ngày càng tăng đi kèm với nhu cầu đời sống ngày một cao, thì sẽ có nhiều cơ hội để phát triển thị trường, nhất là khi chúng tôi đang quan tâm việc phát triển “siêu ứng dụng” với nhiều loại dịch vụ đa dạng phục vụ khách hàng. Đây là điểm rất giống với Indonesia.
Điểm khác của thị trường Việt Nam so với các thị trường khác, đó là số lượng xe máy ở một số quốc gia khác không đông đảo bằng nước ta. Khi lượng xe máy không hùng hậu, rất khó tìm được người cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Ở Việt Nam lại khác, gần như mỗi người đều sở hữu một chiếc xe máy, thậm chí là hai. Nhờ vậy, việc tìm người cung cấp dịch vụ trở nên dễ dàng hơn. Tại các thị trường khác của Gojek, muốn tăng lượng khách hàng lại không thể tìm đủ lượng người cung cấp dịch vụ, điều đó khiến sự tăng trưởng sẽ bị chững lại ở một ngưỡng nào đó. Thị trường Việt Nam có thể tăng trưởng lên rất nhiều lần mà không bị vướng phải rào cản nói trên, đây là lợi thế lớn nhất. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường, nền kinh tế và đời sống ngày càng cao của người tiêu dùng cũng là một điểm thuận lợi cho Gojek ở thị trường Việt Nam.
* Ông từng là người đồng sáng lập và nguyên giám đốc vận hành của GoViet. Khi trở thành Tổng giám đốc Gojek Việt Nam, ông có tự tin sẽ phát triển Gojek vượt qua cả Grab?
- Đối với chúng tôi đây không phải là một cuộc đua tốc độ. Việc các hãng thi nhau sử dụng tiền để giành giật thị phần hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Trên thế giới, kể cả các công ty gọi xe lớn cũng đang gặp phải vấn đề về tài chính, phải xoay sở đủ đường để giải quyết bài toán lợi nhuận. Hướng đi của chúng tôi ở Việt Nam là phát triển bền vững, cân bằng giữa sự tăng trưởng với các mục tiêu về kinh doanh và lợi nhuận. Cách tốt nhất để đi đường dài là phát triển nội lực của mình. Chúng tôi không cố chạy thật nhanh, cũng không cố giành giật thị phần. Chúng tôi hiểu rằng mình cần mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, mang lại những dịch vụ đáp ứng được nhiều nhu cầu của họ hơn. Việc làm thế nào để có khách hàng trung thành mới là bài toán khó hơn cả. Thông qua sự thay đổi lần này, chúng tôi muốn giải quyết điều đó chứ không phải là chiếm vị trí số 1, số 2, số 3 trong thời gian ngắn mà không phát triển lâu dài.
* Cám ơn ông đã chia sẻ!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.