Theo CNN, công việc mà CEO Peter Bellew đảm nhận có thể là khó khăn nhất trong cả ngành hàng không. Hiện ông đang giám sát việc vực dậy hãng bay vốn chật vật sau khi được quốc hữu hóa hậu hai thảm họa hàng không trong năm 2014. Hai thảm họa trên kéo theo hàng trăm người thiệt mạng, mất tích.
Peter Bellew là CEO thứ ba của Malaysia Airlines trong chưa đầy ba năm qua và ông đang có ý tưởng rõ ràng về những gì mình cần làm. Trong số này có việc hạ chi phí và biến đội bay có nhiều chiếc A380 thành những chiếc máy bay thuê bao dành cho hành khách hành hương Hồi giáo.
“Tôi nghĩ đây sẽ là bước ngoặc lớn nhất trong lịch sử hàng không và thậm chí có thể là bước ngoặc lớn nhất trong bất kỳ ngành nào”, ông Bellew chia sẻ. Malaysia Airlines thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Hãng cắt giảm khoảng 6.000 việc làm, bỏ qua hầu hết các tuyến bay dài để tập trung khai thác các đường bay trong châu Á.
Ông Bellew, người từng là CEO của hãng bay giá rẻ Ireland Ryanair nói: “Tôi không tin rằng những người ở Mỹ hay châu Âu hiểu được quy mô nền kinh tế ở đây”. Ông nhận định Malaysia đang phát triển với cương vị một trung tâm trung chuyển cho phần còn lại của khu vực.
Peter Bellew nhậm chức CEO Malaysia Airlines hồi năm ngoái và hạ bớt số tàu bay A380 là một trong các thay đổi lớn nhất của ông. Năm sau, sáu chiếc máy bay lớn này sẽ “về hưu”, không phục vụ các dịch vụ bình thường mà được các nhóm hành hương Hajj và Umrah dùng để thực hiện các cuộc hành hương đến thánh địa Mecca ở Ả Rập Xê Út.
Những chiếc máy bay “khủng” này sẽ được đại tu để có sức chở 715 hành khách, với khu hạng thương gia, khu vực cầu nguyện, khu vực rửa chân và tay. “Chúng tôi đang cố gắng nắm bắt 5-6% thị trường toàn cầu vốn đang tăng trưởng không ngừng. Mọi người tiết kiệm suốt 30 năm để đi hành hương. Chúng tôi hiện đã nhận được sự quan tâm dành cho sản phẩm này”, ông Bellew nói.
Với mảng kinh doanh chính, ông Bellew hiện cố gắng cân bằng nhu cầu cắt giảm chi phí với việc tái thiết Malaysia Airlines thành một thương hiệu cao cấp. Công ty đang thành công trong việc lấy lại niềm tin nơi khách hàng. Năm ngoái, hãng đạt hệ số tải, tức thước đo mức độ hành khách trên các chuyến bay, cao nhất trong một thập niên.
Một điểm quan trọng là tên hãng bay vẫn không thay đổi. Bất chấp hai thảm họa mà hãng phải chịu, Bellew cho hay việc gạt bỏ thương hiệu sẽ làm công ty mất đi hàng thập niên di sản. CEO này cho biết: “Thế giới yêu thích thương hiệu Malaysia Airlines. Đó là tài sản mà công ty không thể gạt bỏ lúc này”.
Sau vụ chuyến bay MH370 mất tích và MH17 bị bắn hạ, Malaysia Airlines rút khỏi thị trường chứng khoán và được quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional rót vốn. Hiện tại, mục tiêu của hãng hàng không Đông Nam Á là đưa cổ phiếu lên sàn một lần nữa vào năm 2019. Theo CEO Bellew, đây là mục tiêu đầy thách thức vì chẳng dễ được thực hiện.
tin liên quan
Malaysia Airlines đăng ký dịch vụ theo dõi đội bay bằng vệ tinhHơn ba năm sau vụ mất tích của chuyến bay MH370 chở 239 hành khách, Malaysia Airlines trở thành hãng bay đầu tiên trên thế giới đăng ký dịch vụ theo dõi toàn bộ đội bay bằng vệ tinh.
Bình luận (0)