Đầu tháng này, các nhà lập pháp Mỹ đề xuất 6 dự luật nhắm vào Amazon, Apple, Facebook và Google, với mục tiêu phá vỡ quyền lực tuyệt đối của họ trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, quảng cáo, truyền thông và giải trí. Luật sẽ ảnh hưởng đáng kể đến App Store, có thể ngăn Apple cài sẵn ứng dụng của công ty lên iPhone. David Cicilline - đại diện đảng Dân chủ cho biết dự luật mới sẽ đảm bảo các công ty như Apple không lạm dụng vị thế thống trị thị trường để ưu tiên sản phẩm và dịch vụ của họ.
New York Times đưa tin, CEO Apple đã gọi điện thoại trực tiếp cho bà Nancy Pelosi để nêu ý kiến rằng luật chống độc quyền đang được ban hành quá "gấp rút" và "sẽ phá hỏng sự đổi mới", đặc biệt là làm ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng iPhone.
Tuy nhiên, bà Pelosi từ chối yêu cầu hoãn quá trình xem xét dự luật của Tim Cook. Bà cũng thúc ép Tim Cook nên xác định chính sách nào của công ty đang đi ngược lại với dự luật mới.
Sau cuộc gọi điện với Nancy Pelosi, CEO Tim Cook tiếp tục liên hệ với nhiều chính trị gia khác để trình bày về tác hại của luật chống độc quyền. Chi tiết những cuộc trò chuyện này không được tiết lộ.
Song song đó, Apple cũng đang làm việc với các nhóm vận động hành lang để phản đối luật chống độc quyền, trong đó có Hiệp hội Ứng dụng đang được "nhà táo" và nhiều hãng công nghệ khác tài trợ. Họ gọi điện, gửi email và viết thư cho các nhà lập pháp, cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng cho ngành công nghệ nói riêng và cả quốc gia nói chung nếu luật chống độc quyền trở thành hiện thực.
Không chỉ Apple, những "gã khổng lồ" còn lại cũng đang "ngồi trên đống lửa". New York Times cho biết những nhà vận động hành lang của Amazon, Facebook và Google cũng đã bắt đầu hành động. Đại diện của Facebook tuyên bố luật chống độc quyền "nên thúc đẩy cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng chứ không phải trừng phạt các công ty Mỹ thành công".
Bình luận (0)