Tại hội nghị di động thế giới (MWC) năm nay, Viettel đem đến 2 giải pháp là trung tâm điều hành thông minh và bãi đỗ xe thông minh. Tại sao Viettel lại lựa chọn 2 sản phẩm này?

Từ trước tới nay, MWC được biết đến là một sân khấu chủ yếu trình diễn về công nghệ di động hay viễn thông. Tuy nhiên, những năm gần đây MWC bắt đầu chyển dịch rõ nét, không chỉ là sân khấu về công nghệ viễn thông mà còn trình diễn những công nghệ tiên tiến nhất của các nhà phát triển xuất sắc nhất thế giới như Facebook, Google, Samsung, Qualcomm, Ericsson….

Người ta mang tới MWC những công nghệ có xu thế hoạch định tương lai mà Việt Nam vẫn hay gọi là công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), in 3D…. Và MWC không chỉ đơn thuần là triển lãm của di động hay viễn thông mà là nơi người ta có thể nhận ra xu hướng công nghệ mới của thế giới.

Tôi nhắc đến những vấn đề này để có thể nhìn thấy hướng đi của Viettel. Những năm trước đây, Viettel đến với MWC theo đúng định hướng là viễn thông di động. Chúng tôi chủ yếu trình diễn công nghệ về di động như trạm phát sóng 3G - 4G tự phát triển, các hệ thống tính cước theo thời gian thực (vOCS), hệ thống quản lý khách hàng…

Những năm gần đây, Viettel đã chuyển mình thành công ty công nghệ, và là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu của Việt Nam trong việc đưa công nghệ 4.0 vào đời sống hàng ngày. Chính vì vậy, ở MWC, Viettel cũng định hình mình không chỉ là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực di động mà là một công ty công nghệ, áp dụng những giải pháp tối tân nhất để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Trung tâm điều hành thông minh và bãi đỗ xe thông minh là 2 sản phẩm tiêu biểu mà chúng tôi đem đến MWC 2019, chứng minh với thế giới rằng Viettel đã chuyển mình thành công ty công nghệ, có những giải pháp cụ thể để đưa công nghệ vào cuộc sống.

Viettel có mục tiêu gì khi mang tới triển lãm công nghệ hàng đầu thế giới 2 sản phẩm này?

Thứ nhất, chúng tôi muốn nói với thế giới rằng Vietel đã tự chuyển mình từ một công ty viễn thông thành một công ty công nghệ.

Thứ hai, chúng tôi đã có giải pháp đã hoàn thiện để đưa vào cuộc sống chứ không chỉ dừng lại ở nghiên cứu hay chế tạo nguyên mẫu. Những sản phẩm này đã sẵn sàng ứng dụng.

Thứ ba, Viettel từ xưa đến nay luôn tự hào với thế mạnh lớn nhất là áp dụng công nghệ mới để biến thành giải pháp thực tế. Công nghệ 4.0 sẽ định hình thế giới nhưng đa phần người dân, các tổ chức vẫn coi đó là thứ gì đó xa xỉ. Thế mạnh của Viettel là dùng công nghệ mới nhất để đưa vào thành giải pháp đơn giản. Ví dụ như bãi đỗ xe thông minh. Đây là sản phẩm đã được triển khai và rất phổ biến ở các thành phố hàng đầu thế giới như New York, London, Paris…. Đây đều là những thành phố lớn, giàu có và rất phát triển. Ở các quốc gia đang và kém phát triển, gần như không có khái niệm về bãi đỗ xe thông minh.

Hiện tại, Viettel đang triển khai bãi đỗ xe thông minh ở Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Nó thể hiện triết lý của Viettel về việc ứng dụng công nghệ mới nhất vào các vấn đề bình dân nhất, gần gũi với cuộc sống nhất.

Trung tâm điều hành thông minh cũng vậy. Nó cũng được áp dụng ở các thành phố hàng đầu thế giới trong khi rất ít quốc gia thuộc phân khúc trung bình áp dụng hệ thống này. Tuy nhiên, chúng tôi đang đưa chúng vào để trở thành trung tâm của hệ thống thành phố thông minh ở các nước đang phát triển. Nó sẽ là bộ não của SmartCity.

Viettel muốn các thành phố đang phát triển ở các quốc gia như Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hay thậm chí là những thành phố nhỏ và ít phát triển hơn như Huế, Phú Thọ…. đều có thể triển khai SmartCity với bộ não là Trung tâm điều hành thông minh. Ngay cả những nơi nghèo, nguồn lực ít cũng có thể dùng công nghệ hiện đại nhất, đây là triết lý xuyên suốt của Viettel.


Giải pháp mà Viettel mang tới MWC 2019 có khác gì so với những giải pháp tương tự đang được sử dụng trên thế giới?

Thứ nhất, chúng tôi hoàn toàn cam kết những công nghệ mới nhất, không thua kém bất cứ giải pháp nào từ các nước phát triển. Đặc biệt, sản phẩm của Vietel có thể được “may đo” với đặc thù của từng thành phố, giúp tạo ra giải pháp phù hợp nhất.

Với SmartCity, mỗi trung tâm điều hành đều có những hạng mục khác nhau. Có những thành phố coi trọng giải quyết ùn tắc giao thông, có những thành phố đề cao về môi trường nhưng có những thành phố lại quan tâm nhiều đến câu chuyện an sinh xã hội như giáo dục, y tế, kinh tế…

Trên thế giới, việc áp dụng những công nghệ mới đã rất tốn kém, việc may đo chúng cho phù hợp với từng nhu cầu riêng lẻ càng trở nên đắt đỏ hơn. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này. Công nghệ của chúng tôi phải dẫn đầu nhưng hoàn toàn có thể may đo cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Đó là những cái rất đặc trưng và là thế mạnh của Viettel.

Kinh nghiệm của Viettel với bãi đỗ xe thông minh và trung tâm điều hành thông minh ở Việt Nam có thể giúp ích gì cho công ty trong việc vươn ra thế giới?

Giải pháp do chúng tôi làm chủ công nghệ. Triết lý của chúng tôi là từng giải pháp đều có thể được chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện của từng thành phố. Thế mạnh lớn của chúng tôi là tính linh hoạt, cạnh tranh về giá và cam kết sau khi triển khai. Với mỗi bộ giải pháp, khi phát sinh những vấn đề cần thay đổi sau khi triển khai, chúng tôi sẽ giải quyết rất nhanh. Đó là lợi thế mà chúng tôi khảo sát thấy rằng, rất nhiều thành phố lớn trên thế giới quan tâm đến nó.

Chúng tôi đã sang châu Âu, châu Phi và châu Á cũng như những thị trường có nhiều tương đồng với Việt Nam như các nước mà Viettel đầu tư: Lào, Campuchia, Myanmar. Giải pháp của Viettel có thể triển khai rất nhanh và phù hợp với họ. Nó mở ra thị trường to lớn.

Trung tâm điều hành thông minh còn quãng đường dài để đi ngay cả ở thị trường trong nước. Vì sao Viettel lại muốn tìm thị trường ở nước ngoài sớm đến vậy?

Đó là truyền thống, triết lý và cách làm của Viettel.

Triết lý Viettel luôn theo đuổi là bao giờ cũng phải nghĩ đến câu chuyện tìm nguồn tăng trưởng mới, phương án mới ngay khi chưa gặp khó khăn ở thị trường cũ. Ngay cả khi chúng tôi thành công với VoIP, chúng tôi đã nghĩ tới đầu tư di động. Đang thành công với di động trong nước Viettel đã nghĩ tới đầu tư nước ngoài. Đang thành công với viễn thông đã nghĩ tới đầu tư về công nghệ, và nghiên cứu phát triển. Đó là triết lý Viettel luôn theo đuổi: Nhìn trước, nghĩ trước và đầu tư trước.

4.0 và SmartCity cũng không phải ngoại lệ. Chúng tôi tin rằng nó sẽ trở thành xu thế không thể đảo ngược của thế giới trong tương lai. Chúng tôi đặt cược vào niềm tin đó, đầu tư từ 5-7 năm trước chứ không phải mới tham gia. Tuy nhiên, đến bây giờ nó mới định hình ra được kết quả như hiện nay.


Để triển khai thành công giải pháp về Trung tâm điều hành thông minh cần sự tham gia của nhiều đối tác. Viettel làm thế nào để giải quyết bài toán này khi muốn mở rộng trong nước và đi ra nước ngoài nhưng số đối tác thực sự không phải quá nhiều?

Cuộc cách mạng CMCN 4.0 có 4 yếu tố bắt buộc để thành công. Thứ nhất là hạ tầng kết nối. Thứ 2 là công nghệ. Thứ 3 là nguồn lực và thứ 4 là chính sách quốc gia.

Hiện tại, môi trường kết nối đang rất mạnh, với 4G, 5G, hay các mạng riêng. Về công nghệ, những công nghệ định hình thế giới như Blockchain, IoT, AI không cần chúng ta phát triển từ đầu mà chúng đã chín muồi. Chúng ta có thể áp dụng bằng nhiều cách nhưng thông qua nghiên cứu; mua lại công nghệ; hợp tác phát triển….

Viettel có cách đi rất đa dạng. Chúng tôi vẫn hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft và ứng dụng công nghệ của họ trong một số mô hình. Song song với đó, chúng tôi hợp tác, chuyển giao và tự phát triển công nghệ nền tảng Blockchain, IoT và AI.

Với khách hàng đòi hỏi công nghệ của các hãng lớn, chúng tôi sẽ hợp tác với họ để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với những đối tác cần sự may đo cho phù hợp nhu cầu, chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ do Viettel làm chủ.

Ví dụ như thành phố Hà Nội, họ yêu cầu công nghệ của các hãng dẫn đầu như Cisco, Dell hay IBM… thì chúng tôi sẽ hợp tác với những tập đoàn đó. Thời gian qua, nhiều đối tác đã đến đây, ngồi tại đây để cùng với Viettel nghiên cứu, thay đổi sản phẩm của họ tùy theo yêu cầu của khách hàng. Đó là mô hình định hình thế giới.

Các hãng công nghệ cũng rất cởi mở. Họ sẵn sàng chia sẻ và hợp tác theo nhiều dạng khác nhau. Đó là cách giúp thế giới đi nhanh hơn trong cuộc CMCN 4.0.

Theo góc nhìn của ông, một nhà cung cấp ở nước đang phát triển như Viettel, có lợi thế cạnh tranh gì so với các nhà cung cấp lớn quy mô toàn cầu?

Thế mạnh lớn nhất của các nhà cung cấp ở nước đang và mới phát triển là phục vụ khác hàng. Đó là tính cá thể hóa cho khách hàng. Các hãng lớn hàng đầu thế giới không bao giờ làm vậy. Họ chỉ làm sản phẩm toàn cầu.

Cá thể hóa cho khách hàng chính là điểm mạnh nhất cho người châu Á. Đặc thù của người phương Đông là vậy. Họ thích cái mới, thích chỉnh sửa trong khi người phương Tây có tính hệ thống rất cao. Các hãng lớn không bao giời làm 1 giải pháp cho 1 khách hàng vì khiến giá thành đắt. Họ không bao giờ chia nhỏ ra nhiều phiên bản khác nhau. Ngược lại, người châu Á sẵn sàng làm điều này.

Thế giới giờ phát triển rất nhanh. Không giống như ngày xưa, khi 1 công nghệ có thể 10 năm ko thay đổi. 2G chúng ta dùng 20 năm, 3G dùng 10 năm, nhưng 4G chắc chỉ 2 -3 năm rồi tới 5G. Viettel mới triển khai 4G năm 2017 thì năm 2019, chúng tôi đã thử nghiệm 5G.

Người ta muốn thay đổi nhanh bởi thời gian đưa sản phẩm ra thị trường rất quan trọng. Một nhà kinh doanh không thể chờ 1 thời gian dài để được cung cấp giải pháp. Họ muốn được đáp ứng ngay lập tức để cạnh tranh trên thị trường, bắt kịp sự thay đổi của thị trường. Đó là cái mà Viettel chúng tôi rất lưu ý. Sản phẩm công nghệ là phù hợp nhất và nhanh nhất.

Ngày xưa, thiết bị đầu cuối phải vài năm mới có một phiên bản mới nhưng bây giờ có thể là vài tháng. Người ta đang rút ngắn vòng đời sản phẩm và công nghệ cũng vậy; công nghệ cốt lõi cũng vậy. Không ai trả lời câu hỏi sẽ mất bao lâu để mạng 5G có thể lên thành 6G nhưng nó có thể ngắn hơn nhiều so với người ta nghĩ.


Báo Thanh Niên
25.02.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.