'Cha đẻ' công nghệ máy học lo ngại trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc
05/02/2019 12:56 GMT+7
Yoshua Bengio - chuyên gia khoa học máy tính người Canada, người tiên phong trong các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo (AI) hiện lo lắng về việc Trung Quốc sử dụng AI để giám sát người dùng.
Tự động phát
Theo Bloomberg, Bengio hiện là nhà đồng sáng lập công ty trí tuệ nhân tạo Element AI có trụ sở tại Montreal (Canada) và đảm nhiệm vai trò giáo sư tại Đại học Montreal. Ông được coi là một trong ba "bố già" của công nghệ học tập sâu (deep learning) cùng với Yann LeCun và Geoff Hinton.
Học tập sâu là công nghệ sử dụng các mạng thần kinh, một loại phần mềm dựa trên các phương diện khác nhau của bộ não con người để đưa ra dự đoán dựa trên dữ liệu. Học tập sâu là nguồn gốc của những tiến bộ gần đây trong nhận dạng khuôn mặt, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, dịch thuật và thuật toán đề xuất. Học tập sâu đòi hỏi một lượng lớn dữ liệu để cung cấp các ví dụ cho quá trình học hỏi và Trung Quốc với dân số và hệ thống lưu trữ hồ sơ nhà nước rộng lớn có nguồn thông tin khổng lồ này.
Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng máy quay video và nhận dạng khuôn mặt để theo dõi các hoạt động của công dân thực hiện ở nơi công cộng. Nhà nước cũng tạo ra một nền tảng chia sẻ thông tin tín dụng quốc gia (National Credit Information Sharing Platform) được sử dụng để đưa vào danh sách đen các hành khách đường sắt và hàng không có hành vi "quấy rối" và đang xem xét mở rộng sử dụng hệ thống này sang các tình huống khác.
|
Bengio cũng không đơn độc trong mối quan tâm của mình đối với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc. Tỷ phú George Soros cũng đã phát biểu những mối lo ngại của mình tại diễn đàn kinh tế thế giới vào ngày 24.1.2019 để làm nổi bật những rủi ro của việc sử dụng AI đối với tự do dân sự và quyền con người.
Ngoài ra, Bengio cũng cho biết sự phát triển có trách nhiệm của AI có thể yêu cầu một số công ty công nghệ lớn thay đổi cách họ vận hành. Lượng dữ liệu của các công ty công nghệ lớn kiểm soát cũng là một mối quan tâm. Ông nói rằng việc tạo ra các quỹ tín thác dữ liệu - các tổ chức phi lợi nhuận hoặc khung pháp lý theo đó mọi người sở hữu dữ liệu của họ và chỉ cho phép sử dụng cho các mục đích nhất định - có thể là một giải pháp. Nếu quỹ tín thác nắm giữ đủ dữ liệu, nó có thể đàm phán các điều khoản tốt hơn với các công ty công nghệ lớn cần nó.
Bình luận (0)