“Cha đẻ” học thuyết Quyền lực mềm - GS Joseph Nye: Trung Quốc tự làm tổn hại mình

25/07/2012 03:21 GMT+7

Những hành động “quá tay” của Trung Quốc làm suy yếu chính sách quyền lực mềm mà nước này đề ra để gây ảnh hưởng lên các nước khác.

 “Cha đẻ” học thuyết Quyền lực mềm - GS Joseph Nye: Trung Quốc tự làm tổn hại mình
Nằm trong nỗ lực tăng cường Quyền lực mềm, Trung Quốc từng chi nhiều
tiền cho sự kiện Triển lãm Thế giới Thượng Hải 2000 - Ảnh: Hoàn Cầu
thời báo

Mới đây, GS Joseph Nye, “cha đẻ” học thuyết Quyền lực mềm của Mỹ, có bài viết trên tờ The Wall Street Journal về việc Trung Quốc (TQ) đang tăng cường đẩy mạnh chính sách quyền lực mềm. Cụ thể, nước này không ngừng xây dựng thêm Học viện Khổng Tử trên khắp thế giới, mở kênh phát thanh quốc tế CRI với nhiều ngôn ngữ, kênh truyền hình quốc tế phát sóng suốt 24 giờ mỗi ngày. Năm ngoái, khoảng 240.000 sinh viên quốc tế theo học tại TQ, tăng hơn rất nhiều so với con số 36.000 cách đây 1 thập niên. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2009 - 2010, Bắc Kinh đầu tư 8,9 tỉ USD cho các chính sách quyền lực mềm.

Liên quan đến chính sách quyền lực mềm của TQ và Đông Nam Á, Thanh Niên phỏng vấn GS Joseph Nye về vấn đề này. 

Ông từng cho rằng có 3 cách để tác động lên các nước khác: sử dụng sức mạnh quân sự; sử dụng sức mạnh kinh tế; thu hút thông qua văn hóa, ngoại giao và một số nguồn lực. Theo ông, TQ đang sử dụng những quyền lực nào (đâu là quyền lực mềm, đâu là quyền lực cứng) để gây ảnh hưởng lên các nước khác?

Quyền lực mềm là khả năng tác động đến đối tác thông qua thu hút và thuyết phục các nước hơn là gây áp lực, đe dọa hay “dụ dỗ” bằng tiền bạc (quyền lực cứng). Hầu hết các quốc gia đều sử dụng cả 2 loại quyền lực này. Hiện tại, TQ đang sử dụng sức mạnh hải quân và những “miếng mồi” kinh tế để thực thi quyền lực cứng. Đồng thời nước này sử dụng văn hóa và “ngoại giao quần chúng” như những biện pháp quyền lực mềm. 

Phát biểu tại Đại hội lần thứ 17 của đảng Cộng sản TQ vào năm 2007, Chủ tịch nước này Hồ Cẩm Đào kêu gọi tăng cường đầu tư cho quyền lực mềm. Ông đánh giá thế nào về chính sách quyền lực mềm của TQ từ đó đến nay?

 

Một trong những cách để Việt Nam và các nước Đông Nam Á ứng phó quyền lực mềm của Trung Quốc là phải đồng lòng

GS Joseph Nye

Sự trỗi dậy của sức mạnh quân sự và kinh tế TQ dường như đang đe dọa các nước láng giềng. Vì thế, ông Hồ Cẩm Đào đã đúng khi thúc giục TQ cần tăng cường quyền lực mềm. Đó là việc tạo sức hút các quốc gia láng giềng để những nước này không hình thành liên minh phản kháng lại TQ. Bắc Kinh đã thực thi quyền lực mềm bằng nhiều cách như phát triển Học viện Khổng Tử, các đài phát thanh, tổ chức những sự kiện đặc biệt như Triển lãm thế giới Thượng Hải.

Ông có cho rằng TQ đang thành công trong việc tác động các nước bằng quyền lực mềm?

TQ có một nền văn hóa đủ sức hấp dẫn nhiều quốc gia khác, nhưng những hành vi “quá trớn” của nước này đang tổn hại đến nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thực thi quyền lực mềm. Ví dụ như những hành động gần đây của TQ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Những biện pháp sử dụng hải quân và sức mạnh kinh tế làm giảm “sức hấp dẫn” của TQ.

Nhiều năm qua, văn hóa TQ ảnh hưởng đáng kể đến nhiều nước Đông Nam Á. Theo ông các nước Đông Nam Á có cần phải làm những gì?

Một trong những cách để Việt Nam và các nước Đông Nam Á ứng phó quyền lực mềm của Trung Quốc là phải đồng lòng nhằm tiến đến việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). 

Trong bài phát biểu chào năm 2012, Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào cảnh báo nước này đang bị bào mòn bởi văn hóa phương Tây. Ông đánh giá thế nào về tuyên bố trên?

Tôi không nghĩ văn hóa TQ bị yếu đi nhưng tôi cho rằng một số hành động của nước này làm tổn hại quyền lực mềm của họ. Giới chức TQ chưa thực sự hiểu rằng xã hội dân sự thực hiện chính sách quyền lực mềm quốc gia tốt hơn là chính phủ. Ví dụ như những trường đại học và điện ảnh Hollywood tạo quyền lực mềm cho Mỹ tốt hơn các chương trình của chính phủ nước này. Vì thế, việc can dự của chính phủ TQ khiến xã hội dân sự nước này không đóng vai trò đầy đủ trong việc tạo ra quyền lực mềm.

GS Joseph Samuel Nye Jr (ảnh), 75 tuổi, được trao học vị tiến sĩ ngành Khoa học chính trị của ĐH Harvard vào năm 1964. Sau đó, ông đảm nhiệm hàng loạt vị trí quan trọng như: Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế, Chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia… Ngoài ra, ông từng là Hiệu trưởng trường chính sách công John F. Kennedy thuộc ĐH Harvard.

Về nghiên cứu học thuật, ông là người đi tiên phong, đặt nền móng cho học thuyết Quyền lực mềm. Năm 2011, Học viện Chính sách đào tạo, nghiên cứu và quốc tế (TRIP) thuộc Mỹ bầu chọn GS Joseph Nye đứng vị trí thứ 6 trong số những học giả ảnh hưởng nhất đến chính sách đối ngoại của Mỹ suốt 20 năm qua. Cũng trong năm 2011, tạp chí Foreign Policy bình chọn ông là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới hiện tại.

 “Cha đẻ” học thuyết Quyền lực mềm - GS Joseph Nye: Trung Quốc tự làm tổn hại mình 2

Ngô Minh Trí (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.