"NÓ LÀ TẤT CẢ CỦA TÔI"
Trong căn nhà trọ nhỏ xíu, nóng hầm hập giữa trưa, người cha già U.70 Nguyễn Hoàng Côn Sơn (ngụ Q.12, TP.HCM) chật vật mãi mới mặc được chiếc quần cho cậu con trai 27 tuổi bự gấp rưỡi mình. Mồ hôi nhễ nhại, ông cười: "Nó to xác thôi chứ nhận thức chưa bằng đứa trẻ 1 tuổi".
Ngày chào đời, Nguyễn Hoàng Thanh Giang giống như bao đứa trẻ khác. Đến 7 tháng tuổi, Giang có nhiều biểu hiện không bình thường, vợ chồng ông Sơn đưa con đi khám mới biết con mắc hội chứng Down. Ngày ấy, ông chạy xích lô, vợ buôn bán. Đầu tắt mặt tối nhưng tối nào ông cũng chơi đùa cùng con với hy vọng ngày nào đó, con có thể gọi một tiếng "ba".
Con chưa kịp lớn, vợ chồng chia tay, không đành lòng nhìn con trai bơ vơ, ông một mình vừa chạy xe vừa chăm con. Ông nói: "Ngày bả đi tôi hụt hẫng lắm, không biết một mình thì làm sao lo cho con. Nhưng tôi nghĩ đẻ con ra phải có trách nhiệm, ngày nào đi làm về mệt quá tôi cũng tâm sự với con, dù chưa một lần được con đáp lời. Khó cực đến mấy tôi cũng vượt qua được, điều gì cũng gạt qua hết một bên, vì nó là tất cả của tôi".
Trên chiếc xe cà tàng dán băng keo chi chít trước sau đề phòng rớt phụ tùng, người cha già hy vọng mỗi ngày ít nhất có 2 cuốc xe thì mới đủ tiền đóng nhà trọ và mua cơm qua ngày.
NGƯỜI CHA KHÔNG CÓ ƯỚC MƠ CHO MÌNH
Gần 30 năm "gà trống nuôi con", mỗi ngày ông dậy từ sớm, đút từng thìa cho con trai ăn rồi mới đi làm. Trưa đến, ông lại chạy về cho con ăn, tắm rửa rồi quay lại với những cuốc xe.
Ông chia sẻ: "Tôi tuổi cao, xe cũ nên không chạy công nghệ được, nhiều khách chê xe cũ nhưng tôi cũng có vài khách quen. Có những người khách biết hoàn cảnh, thỉnh thoảng cho một ít đồ ăn. Sự giúp đỡ từ những người lạ vậy tiếp thêm cho tôi sức mạnh để cày cuốc lo cho con".
Theo ông, ngày cao điểm ông có thể kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, trừ tiền nhà trọ 1,5 triệu đồng/tháng, còn lại ông đủ lo cho con. "Trời thương nên cho nó mạnh khỏe, tôi thì không rượu bia, không thuốc lá nên không tốn tiền gì. Làm được nhiêu chỉ để đóng nhà trọ với ăn uống".
Năm ngoái, bỗng thấy tay chân bủn rủn, đứng không vững, ông đi khám mới biết bị hở van tim, bệnh huyết áp. Nhưng đó cũng là lần duy nhất ông đi khám bệnh vì sợ không có tiền điều trị, lỡ nhập viện thì ai lo cho con… Cứ vậy, mỗi lần thấy khó thở, ông tự lấy tay vuốt hai vành tai, ấn nhân trung. "Có người nói tôi nên bỏ con ra đường để người ta đưa nó vào trại mồ côi chăm sóc, nhưng còn tôi đây, sao làm vậy được. Sau này mất đi, tôi sẽ hiến xác cho y học; khi ấy nhờ mọi người gửi con vào các trung tâm để con có nơi che nắng mưa", ông kể.
Bao nhiêu năm bươn chải, nhiều đêm bật dậy không thấy con, ông nhờ hàng xóm tá hỏa đi tìm. Giờ đây ở tuổi U.70, ông vẫn chỉ mong chờ một ngày nghe con gọi tiếng "ba". "Trưa tôi thường xin cơm từ thiện hoặc mua cơm Nụ Cười 2.000 đồng. Chiều thì mua cơm ở ngoài 25.000 đồng/suất. Sống đến từng này tuổi rồi, tôi không ước mơ gì đâu, chỉ mong con khỏe là được", người cha già bộc bạch.
Anh Dương Quang Quốc Khánh (33 tuổi, hàng xóm) cho biết, cả xóm ai cũng biết ông Sơn một mình chạy xe ôm chăm con, hiền lành. Thấy ở đâu có đồ từ thiện, mọi người đều giới thiệu ông đến nhận. Bà Lê Thị Điệp (60 tuổi, em gái ông) tâm sự, gia đình còn 4 chị em, nhưng ai cũng có tuổi và đều đi làm thuê hoặc bán vé số, ở trọ vất vả. "Ngày trước tôi thỉnh thoảng chạy qua phụ ảnh chăm cháu, mà sau tôi bị đau khớp đi lại khó khăn nên ảnh lo hết. Ảnh cực mấy cũng lo cho con", bà Điệp chia sẻ.
Bình luận (0)