Cha mẹ có nên kiểm soát con sử dụng mạng xã hội?

25/01/2019 07:54 GMT+7

Cha mẹ cần hướng dẫn con mình sử dụng mạng xã hội, nhưng không xâm nhập vào quyền riêng tư của trẻ...

Đó là một trong nhiều kiến nghị của trẻ em với “người lớn” về việc bảo vệ trẻ em tại hội thảo “Tiếng nói của thanh thiếu niên đối với xây dựng môi trường mạng lành mạnh an toàn” do T.Ư Đoàn và Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) tổ chức, diễn ra chiều 24.1, tại Hà Nội.
Hiện các con giỏi hơn cha mẹ rất nhiều, nếu cha mẹ kiểm soát thì các con sẽ cảm thấy vô lý. Vì vậy, cha mẹ phải thay đổi cách nghĩ, sẵn sàng học hỏi để đồng hành cùng con. Tuy nhiên, các con cũng cần phải chia sẻ và để cha mẹ bảo vệ các con tốt hơn
NGUYỄN PHƯƠNG LINH
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững
Hơn 20 thanh thiếu niên là thành viên Hội đồng trẻ em của TP.Hà Nội và học sinh (HS) một số trường THCS, đã có buổi đối thoại và đưa ra những kiến nghị với “người lớn” về việc bảo vệ trẻ em như thế nào trên môi trường internet.
Các thanh thiếu niên đã chia thành từng nhóm để nghiên cứu và đưa ra những phản biện của mình trước các thông tin ban tổ chức cung cấp. Nhóm bàn về việc xâm hại trẻ em qua môi trường internet, cho rằng trẻ em thường hiếu động, ham chơi, thích tìm hiểu cái mới trên mạng, nên dễ bị lợi dụng. “Hiện những thông tin xâm hại tình dục trên mạng khiến HS lo sợ. Giải pháp khắc phục tình trạng này là cha mẹ cần hướng dẫn con mình sử dụng mạng xã hội; chú ý đến tất cả ứng dụng trong máy tính điện thoại của trẻ, nhưng không xâm nhập vào quyền riêng tư của trẻ”, đại diện nhóm nói. Các HS này cũng kiến nghị, khi phát hiện con cái mình sử dụng mạng xã hội không an toàn, thì cha mẹ cần bình tĩnh nói chuyện, không áp dụng biện pháp nặng nề. Vì nếu để trẻ sợ hãi thì không bao giờ “khai ra” các hành vi sai của mình. Nhóm HS cũng mong muốn các ban, ngành đưa ra các giải pháp khả thi để xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường internet. Thậm chí nhóm còn mong muốn có hẳn một bộ luật dành riêng hướng dẫn và chế tài sử dụng mạng xã hội…
Còn nhóm HS khác, cho rằng để ngăn chặn những nguy cơ trên mạng xã hội, thì bố mẹ cần kiểm soát và hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho các con. Tuy nhiên, giải pháp này đã không nhận được sự đồng tình của chính các HS khác. “Người lớn không có quyền kiểm soát quyền riêng tư ấy. Nếu bố mẹ muốn kiểm soát thì có kiểm soát được hoàn toàn không, vì muốn làm hay không là do chúng ta quyết định”, một thiếu niên phản biện.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, cho rằng không nên dùng quyền kiểm soát các con và chỉ nên là người đồng hành thì sẽ tốt hơn. “Hiện các con giỏi hơn cha mẹ rất nhiều, nếu cha mẹ kiểm soát thì các con sẽ cảm thấy vô lý. Vì vậy, cha mẹ phải thay đổi cách nghĩ, sẵn sàng học hỏi để đồng hành cùng con. Tuy nhiên, các con cũng cần phải chia sẻ và để cha mẹ bảo vệ các con tốt hơn”, bà Linh nói. Theo bà Linh các rủi ro trên mạng đã được ghi nhận bao gồm: lộ thông tin cá nhân, giảm tương tác vận động, bị bắt nạt, xâm hại tình dục, kết bạn xấu, chia sẻ thông tin không chính xác... Vì vậy, cần trang bị cho các em những kỹ năng số và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Dương Khánh Dương, Phó trưởng ban Tổng hợp và hợp tác quốc tế - Viện Chiến lược thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT), cũng cho rằng: “Người sử dụng cần tôn trọng lẫn nhau. Khi sử dụng mạng phải có trách nhiệm với cộng đồng, với đất nước và với chính chúng ta”.
Trường học không dạy về sử dụng mạng an toàn
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD, cho biết: Hơn 1/3 trong số người sử dụng internet ở VN là người chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi từ 15 - 24 tuổi. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình (2%) hoặc nhà trường (11%). Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Trong khi đó, theo bà Linh, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.