Cha mẹ dạy gì cho con?: Dạy con khởi nghiệp, cho con sống trọn chữ 'người'

05/11/2018 06:47 GMT+7

Không chỉ trao cho ca sĩ Quang Thành trái tim nhân ái, cha mẹ còn cho anh cách sống tự lập, tình yêu với ca hát và những triết lý quan trọng trong kinh doanh để anh khởi nghiệp thành công.

Nam ca sĩ Quang Thành, người đồng hành cùng ca sĩ Khánh Ly trải lòng về những gì anh học được ở cha mẹ anh, người quan trọng nhất cuộc đời anh:
Cha mẹ cho tôi sự tự lập
Cũng như bao cha mẹ khác, cha mẹ tôi rất yêu thương các con. Cha mẹ tôi không tích lũy của cải vật chất, gia sản to tát gì mà dồn hết cho các con ăn học tại các trường dòng nội trú với mong muốn chúng tôi được giáo dưỡng chuẩn mực từ đạo đức giáo lý đến kiến thức, văn hóa... Chính vì được gởi vào môi trường tập thể nghiêm khắc đó nên hầu hết các học sinh được rèn luyện thật tốt kỹ năng tự lập, giờ giấc, tác phong, giao tiếp... tất cả đều có sự kiểm soát, hướng dẫn, có cả thưởng và phạt, như mô hình giáo dục trẻ em phương Tây.
Ca sĩ Quang Thành và mẹ ngày nhỏ Ảnh nhân vật cung cấp
Sau năm 1975, cha tôi qua đời, chúng tôi sống với mẹ và bà ngoại nhưng rất ngoan, một phần vì những đứa con không cha nên thường phải tự lập. Tôi thầm hãnh diện và mang ơn tất cả những gì tôi may mắn có được từ nền tảng gia đình.
Mẹ cho tôi những triết lý kinh doanh
Trong gia đình mẹ tôi là người phụ nữ đức hạnh, ngoài xã hội mẹ là người biết nhường nhịn, bao dung, yêu thương mọi người, trong kinh doanh buôn bán mẹ là người chân thành, uy tín và chịu khó vô cùng.
Trước đây, mẹ tôi đi bán vải ở “chợ trời” của Sài Gòn. Mẹ thường đi sớm tới tận khuya mới về, sớm tối vất vả, có lúc còn bị bắt phạt nhưng mẹ luôn kiên nhẫn, chắt chiu kiếm từng đồng để cho chúng tôi có cuộc sống tốt nhất.
Mẹ không quá toan tính thiệt hơn, mua gì của ai không ép uổng, bán gì cho ai cứ thêm nếm như trái chanh trái ớt... Chính vì thế mà bán gì cũng thuận cũng đắt hàng, nói gì cũng có người tin. Những lúc khó khăn cần gì cũng có người sẵn lòng, đi đến đâu cũng nghe người ta nhắc mẹ tôi tốt lành. Sau này khi đọc sách “Đắc nhân tâm” tôi bắt gặp rất rõ hình ảnh mẹ tôi trong đấy. “Biết người biết ta, buôn đâu cũng thắng. Tiểu phú do cần, đại phú do thiên”.
Dù tôi từ nhỏ chỉ đi học rồi về đọc sách, không bao giờ phải lo lắng gì tiền bạc nhưng tôi luôn muốn lớn thật nhanh để giúp mẹ làm việc, để mẹ không phải chịu khổ cực. Lúc lên 10 tôi cùng chị gái ra chợ lớn mua hột vịt, tôm khô, bột ngọt … về cho mẹ bán lại. Nhờ tiết kiệm, mẹ tôi mở được sạp tạp hóa gần nhà, bán được nhiều mặt hàng thiết yếu hơn.
Năm học lớp 8, tôi xin một chân thầu vệ sinh lớp học cho trường, sau đó cùng chị gái và 4 người bạn cùng làm, được tiền chia nhau, tôi tiết kiệm dư tiền để mua đủ phụ tùng ráp thành một chiếc xe đạp cho mình.
Lớp 10, tôi nhận bao xi măng đã qua sử dụng về lột phần giấy bên ngoài bán ve chai, phần bên trong giặt sạch cắt ra may giỏ xách, chia cho những gia đình xung quanh cùng làm.
Sau này, tôi được tuyển vào Tập đoàn British American Tobaco (Công ty thuốc lá 555) khi tập đoàn này mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Sau đó, tôi buôn bán bất động sản và tham gia nhiều hoạt động kinh doanh đều thành công, kể cả khi ở Việt Nam hay cùng cả gia đình tới Mỹ định cư (năm 2002), tất cả đều nhờ tôi học ở mẹ nhiều triết lý kinh doanh.
Mẹ cho tôi thoả niềm đam mê ca hát
Tôi nghe người lớn kể lại, cha tôi là người được học hành đàng hoàng, thích làm thơ và yêu nhạc. Khi mẹ có bầu tôi, cha tôi đang đỉnh cao của sự nghiệp, mẹ buôn bán tiền tài sung túc, cả hai người sống trong hạnh phúc, yêu thương tình tứ và cùng yêu nhạc. Ngày nhỏ, cha thường dạy tôi múa hát. Thời thơ ấu, tôi cũng hay rủ bạn bè đi xem hát, lớn hơn một chút tôi tổ chức gánh hát làng cho những đứa trẻ trong xóm.
Ca sĩ Quang Thành và ca sĩ Khánh Ly trong một lần trở về Việt Nam Thúy Hằng
Sau này có điều kiện và học chính quy tại Nhạc viện TP.HCM nhưng tôi vẫn giữ nghề kinh doanh. Lúc ấy cũng chẳng ai khuyến khích tôi đi hát, mặc dù môn gì tôi cũng học. Tôi quan niệm “Phi thương bất phú”, nghệ thuật là do năng khiếu và sở thích. Tôi xác định hoạt động nghệ thuật cốt là để phục vụ công chúng và đặc biệt trong những người ấy có cả mẹ tôi. Tôi thực hiện tất cả những gì mẹ tôi yêu thích, hát tất cả những bài hát kỷ niệm của cha mẹ theo yêu cầu.
Mẹ rất hạnh phúc khi tôi thu âm ghi hình song ca với hầu hết những ca nghệ sĩ mà mẹ tôi mến mộ như: Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Khánh Ly, Thanh Tuyền, Lê Uyên Phương, Tài Linh, Kim Anh… Nhờ có mẹ mà tôi đã tìm nhạc xưa và hát được nhạc xưa. Mẹ tôi chọn bài trong tất cả các album của tôi lâu nay... 
Mẹ dạy tôi về lòng nhân ái
Mẹ tôi tiếp nối ông bà mấy đời trước, luôn sống có lòng nhân ái, bao dung, chan hòa thương yêu trong gia đình và với mọi người. Ngày còn bé, tôi nhớ mẹ chẳng có nhu cầu tiêu xài gì cho bản thân, nhưng lại hay chia cho người này viên thuốc, người kia cân gạo, nhà lúc nào cũng có bà con xa gần tá túc trọ học…
Mẹ dạy chúng tôi: “Của cho không bằng cách cho. Người nhận thì còn, con ăn thì hết. Mẹ nuôi được đàn con khôn lớn là nhờ ơn trời, tình người. Các con ra đời được nâng đỡ, yêu thương cũng là nhận, mà nhận là phải biết ơn, phải biết nay người mai ta…”.
Hiện nay, chúng tôi đều định cư ở Mỹ nhưng mẹ vẫn luôn hướng về quê nhà , nơi những em bé mô côi, cụ già neo đơn, người tật nguyền, phận người bất hạnh cần đuợc an ủi .
Tôi và những người bạn trong chương trình ca nhạc “ Vòng tay nhân ái” những năm qua tiếp nối bằng những đêm hát để có chút kinh phí, mang thêm những giọt sữa, mẩu bánh, tấm áo cho người nghèo, tiếp nối con đường mẹ tôi đi.
Càng đi thấy đường càng dài nhưng chính những nụ cười, bàn tay ấm, cái ôm thắm thiết của những con người nơi ấy níu chúng tôi gần hơn với tình người.
Tôi nhận ra mình là người may mắn, hạnh phúc khi có mẹ dẫn lối trên bước đường học trọn vẹn chữ “người”.
(Ghi theo lời kể của nhân vật)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.