Cha mẹ dạy gì cho con?: Dạy theo cách… không dạy gì hết

17/10/2018 07:10 GMT+7

Cách sống và đời sống của cha mẹ là bài học lớn nhất dành cho con. Phương pháp này có thể nói vui là “dạy con bằng cách... không dạy gì hết”. Thay vì chỉ nỗ lực dạy con, cha mẹ còn phải nỗ lực “dạy mình”. Khi cha mẹ tìm ra chính mình, sống với chính mình và giữ được chính mình thì cũng sẽ giúp con biết cách tự làm được điều đó.

Đó là chia sẻ của nhà giáo Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục IRED.
3 câu hỏi căn cốt
Người thầy quan trọng nhất của giáo dục trẻ em chính là gia đạo. Cha mẹ là người tạo ra gia đạo ấy
GIẢN TƯ TRUNG
Dạy con là một chủ đề luôn luôn sục sôi. Lâu nay người ta thường hay đặt ra câu hỏi “Dạy con theo kiểu nào?”. Nhưng đó không phải là gốc rễ của vấn đề. Vậy câu hỏi căn cốt trong việc dạy con là gì? Đó là trả lời 3 câu hỏi:

“Thế nào là con người?”, “Mình muốn con mình trở thành người như thế nào?”, và “Làm sao giúp con mình trở thành người như thế?”. Hai câu hỏi đầu người ta thường không quan tâm, chỉ quan tâm đến câu thứ 3. Như vậy rất nguy hiểm.

Như trong câu chuyện Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên, Alice bị lạc đường có hỏi con mèo là đi đường nào? Alice hỏi vậy nhưng không biết đi đến đâu. Mèo mới nói: “Cậu không quan tâm thì đi đường nào chả được”.

Giáo dục cũng thế. Có đích đến thì may ra mới có con đường, nhưng nếu không có đích đến thì chắc chắn là không có con đường nào cả.

Gia đình lâu nay phó thác cho nhà trường, nhà trường phó thác cho nhà nước, trong khi nhiều bậc cha mẹ chưa ý thức đủ nhiều cho vai trò của mình trong giáo dục con cái. Nhà trường có vai trò của nhà trường, nhà giáo có vai trò của nhà giáo, nhà nước có vai trò của nhà nước, nhưng cha mẹ cũng có vai trò của mình. Ai làm việc nấy. Chỉ khi tất cả các chủ thể của giáo dục làm đúng và làm tốt công việc của mình thì mới mong có “sản phẩm” giáo dục tốt được.

Để giáo dục tốt, trước hết là cần có triết lý giáo dục. Lâu nay người ta thường trông chờ triết lý giáo dục từ nhà nước. Tôi nghĩ không cần phải như vậy. Bởi lẽ, nhà nước sẽ có triết lý giáo dục của nhà nước để phát triển công dân, nhà trường và nhà giáo cũng cần có triết lý giáo dục của mình để dạy học trò, cha mẹ cũng cần có triết lý giáo dục để dạy dỗ con cái, và chính bản thân mỗi chúng ta cũng cần có triết lý giáo dục để “giáo dục bản thân”. Triết lý giáo dục không phải là độc quyền của nhà nước.

Đối với các bậc cha mẹ, khi trả lời được cả 3 câu hỏi căn cốt nói trên thì cũng là lúc chúng ta xác định được triết lý giáo dục của riêng mình cho việc giáo dục con cái.

Dạy con kiểu “nguyên con”

Hiện nay có mấy kiểu dạy con. Một là nói cho con nghe những điều mình nghĩ rằng con nên biết. Cách thứ hai là trả lời câu hỏi của con. Cách này hiệu quả hơn vì con hỏi là con quan tâm. Cách thứ ba là hỏi để con trả lời, hay nói cách khác là để con “dạy” mình và mình làm “học trò” của con. Có nhiều cha mẹ tuy không biết chữ, nhưng lại có những đứa con thành người và thành tài là vì vậy.

Nhưng cách thứ 4 mới là hay nhất. Đó là không dạy gì hết! Nếu cứ cố dạy con thì nhiều khi không dạy được gì mấy. Dạy con bằng cuộc sống, bằng cách sống của mình. Cách sống và đời sống của cha mẹ là bài học lớn nhất dành cho con. Tôi gọi vui đó là “dạy con kiểu nguyên con”, còn nói cho văn vẻ thì đó là dạy con theo phương pháp “thân giáo”.

Đây không phải là dạy con theo kiểu “làm gương” cho con như cách chúng ta vẫn thường hiểu. Cách làm gương rất phản giáo dục và rủi ro. Ví dụ đi trên đường, không có ai thì vượt luôn đèn đỏ. Đến khi chở con thì dừng đèn đỏ để làm gương cho con. Nhưng có lúc quên, cha mẹ sẽ vượt đèn đỏ luôn, thành ra “tổ trác” trước mặt con. Làm gương là cố tình diễn cho con thấy, nhưng bản chất lại không phải vậy. Còn “nguyên con” hay “thân giáo” là “hiện nguyên hình” trước mặt con.

Nếu cha mẹ hư hỏng nhiều thì cũng khó mà dạy con theo kiểu này. Nhưng tôi tin là, nếu muốn, ai cũng làm được, chứ không cần phải người giỏi giang hay cao quý mới làm được. Bởi lẽ, chúng ta không cần phải trở thành người hoàn mỹ trước mặt con, vì trên đời này có ai hoàn mỹ đâu. Có thể mình còn có mặt này mặt khác chưa tốt, nhưng về cơ bản, nếu mình là người chăm chỉ và lương thiện thì có thể thoải mái “hiện nguyên hình” trước mặt con rồi.

Con cái và cha mẹ có mối liên hệ và gắn bó với nhau cho đến chết, do vậy mình không thể “diễn” suốt đời được, mệt lắm! Nếu sống với con cái mà mình cũng không được là mình thì có lẽ là cả đời này mình cũng không có mấy cơ hội để “được là mình” nữa. Đó là một bi kịch.

Đấng sinh thành nào cũng thương con, và cũng không muốn vì mình mà con bị ảnh hưởng. Nên có nhiều người đã vì con mà tu tâm sửa tính để con khỏi hư. Như vậy, khi sửa mình và nâng mình lên thì không chỉ để dạy con, mà còn để được là chính mình, để được sống “nguyên con”, sống cuộc đời của con người tự do.
Giúp con tìm ra chính mình

Cha mẹ thương con thì không cố biến con mình thành thứ mà mình muốn, mà sẽ giúp con tìm ra chính mình, làm ra chính mình và sống với chính mình.

Tìm ra chính mình có 3 thứ. Đó là tìm ra con người giới tính, thuộc giới tính nào thì sống đúng với giới tính đó (dị tính, đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới, vô tính). Nếu con là đồng tính nam mà bắt sống như đàn ông dị tính là giết con. Thứ hai là con người văn hóa. Thứ ba là con người nghề nghiệp, phù hợp với nghề nghiệp nào. Nếu con là “con cá” thì không thể bắt con leo cây như “con khỉ” vì như thế sẽ làm khổ con.

Thông thường mọi người quan tâm đến con người giới tính và con người nghề nghiệp, chứ ít quan tâm con người văn hóa. Con người văn hóa mới là quan trọng nhất, nền tảng nhất. Bởi học làm người thì khó hơn và lớn hơn học làm nghề. Cấu trúc văn hóa cá nhân gồm 3 lớp, đó là “đạo sống”, giá trị sống và thái độ sống của mình. “Đạo sống” là cái lõi bên trong, giá trị sống là lớp tiếp theo, còn thái độ sống và cách hành xử là lớp ngoài cùng của văn hóa. Đạo sống và giá trị sống sẽ quyết định thái độ và hành xử của mình. Không có “đạo sống” thì không có lý tưởng, cũng không có dấn thân và do đó cũng sẽ không có thành tựu gì đáng kể.

Đó cũng là lý do vì sao mà ngày nay, nếu có ai hỏi chúng ta rằng, nên dạy con như thế nào thì câu trả lời khả dĩ nhất là: Đừng dạy con, hãy dạy mình và giúp con tự dạy nó.

Khi cha mẹ tìm ra chính mình và có cả 3 lớp văn hóa nói trên thì cũng sẽ có khả năng giúp con biết cách tìm ra chính mình và hình thành 3 lớp văn hóa cho riêng mình. Khi đó cha mẹ đã tạo ra một “hệ sinh thái” cho gia đình mình, cái đó thường gọi là “gia đạo”. Và khi con cái sống trong hệ sinh thái đó, trong cái gia đạo đó thì cha mẹ có thể yên tâm và không cần phải nghĩ nhiều đến chuyện phải dạy con thế nào nữa. Bởi lẽ, gia đạo là người thầy quan trọng bậc nhất của con trẻ và cha mẹ là chính là người tạo ra cái gia đạo ấy.

(lược ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.