Nghe đơn giản vậy mà khó lắm thay! Làm sao một đứa trẻ có thể đủ niềm tin rằng nó sẽ thành công, khi mà mọi hướng đi phù hợp với khả năng và sở thích của nó luôn có nguy cơ bị các bậc sinh thành phủ nhận bằng ý chí và nhãn quan riêng của họ?
Xót con mà lại hiếm hoi
Cách đây vài tuần, tôi tình cờ gặp lại một anh bạn là luật sư. Hỏi thăm chuyện con cái học hành ra sao, anh bảo: “Năm nay tui cho thằng lớn đi học nghề rồi!”. Thấy tôi điềm nhiên gật gù, anh cười to: “Cám ơn chị vì đã không gặng hỏi lý do tại sao như nhiều người khác, chẳng những thế lại còn tỏ ý đồng tình với tui...”.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại: “Ủa, chứ có gì sai ở đây? Thằng con không muốn học nữa thì cho nó học nghề để ra kiếm việc đúng khả năng và sở thích của nó chớ sao? Vậy là may mắn lắm rồi vì nó còn chịu đi học nghề, không lêu lổng hư hỏng, và cũng không có ý định dựa dẫm cha mẹ mà ăn chơi, lười nhác... Mừng không hết thôi chớ mắc gì lăn tăn?”.
Anh xịu mặt kể tiếp: “Chị biết đấy! Tui chỉ có hai đứa con, nó là con trai lớn và duy nhất. Hai vợ chồng đều học hành đại học trong nước, ngoài nước về, có công ăn việc làm như ý... Thế nên nghe chuyện cho nó đi học nghề khi mới xong lớp 9, ai cũng tỏ ra... ái ngại. Ngay gia đình hai bên nội ngoại cũng phản đối! Nhiều khi tui bực và chán đến độ mỗi lần họp mặt đại gia đình, chẳng muốn đưa thằng nhỏ về tham dự nữa vì hễ cứ thấy nó là cô dì chú bác lại hỏi han, khích bác, gièm pha vụ nó đi học nghề, rồi so sánh nó với các anh em họ khác đang học trường chuyên, trường điểm hay đại học...”.
Nghe anh bạn kể, tôi mừng vì thấy cậu nhỏ nhà anh may mắn quá! Vậy mà rất tiếc là hiện nay, những bậc cha mẹ biết xót con kiểu như anh không nhiều, thậm chí nếu không muốn nói là “của hiếm”.
|
Áp lực cho con
Thật ra, nếu trách các bậc phụ huynh về chuyện áp lực con học hành, ai cũng sẽ cảm thấy... oan ức bởi nghĩ rằng việc mình muốn con học tốt để đổi đời là một điều chính đáng. “Không học để rồi đi ăn mày à!”, “Không học thì đi chăn trâu”, “Không học thì đi bán vé số...”... là những câu mắng mỏ và hăm dọa thường xuyên ở người lớn mà tôi nghe từ hồi mới bắt đầu vào tiểu học. Và nay, sau gần 50 năm, khi đầu đã hai thứ tóc, vẫn còn nghe lại những câu ấy ở các bậc cha mẹ... trẻ hơn.
Thế nhưng lạ thay! Hình như chúng ta càng mong mỏi, càng kỳ vọng thì con cái dường như càng muốn chứng tỏ ngược lại! Tôi từng nghe không ít phụ huynh than thở kiểu: “Cha mẹ cắm đầu làm ăn để lo cho con. Nó chỉ phải học thôi mà cũng không nên cơm cháo gì! Thật khổ vì con!”.
Còn chuyện so sánh con với cái đứa đáng ghét nhất là “con nhà người ta” thì vẫn rất phổ biến! Tôi từng gặp những đứa trẻ tuy học trường quốc tế với mức học phí cao, thế mà cha mẹ vẫn bắt phải đi học thêm toán, Anh văn sau giờ học hằng ngày ở trường hoặc vào các ngày cuối tuần vì “học chưa bằng ai”. Tôi từng nghe nhiều em học sinh than thở không còn thời gian nghỉ ngơi và đi chơi với bạn bè vì cha mẹ bắt phải đi học luyện thi liên tục để đạt điểm SAT mức này, điểm IELTS mức nọ nhằm chuẩn bị cho việc đi du học. Không chỉ thế, ngay trong nhiều gia đình, cha mẹ còn chủ trương công khai đánh giá con cái cao thấp khác nhau để tạo sự ganh đua về học tập!?
Tôi biết có những em học rất giỏi, thậm chí cả khi đã đi du học ở bậc đại học, nhưng vẫn bị trầm cảm bởi không vượt qua nổi sự phán xét và áp lực của cha mẹ khi luôn bị so sánh với anh/chị/em trong nhà.
Có lẽ cần định nghĩa lại thế nào là thành công? Một đứa trẻ được giáo dục thành công không có nghĩa nó phải giỏi, phải học hành hoặc thi cử đạt điểm số xuất sắc.
Đó sẽ là đứa trẻ được trang bị một nền tảng tri thức phù hợp năng lực cá nhân, với sự phát triển những tính cách cần thiết cùng những thói quen lành mạnh và các kỹ năng quan trọng để đủ tự tin giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống. Song trên hết, đó phải là một đứa trẻ luôn cảm thấy hạnh phúc vì bản thân nó được trân trọng và công nhận đúng mức.
Bình luận (0)