Luật quy định học sinh đủ 16 tuổi được đi xe gắn máy, nhưng nhiều người dân hiểu lầm xe gắn máy là xe máy thông thường. Vậy phân biệt hai loại xe này thế nào để tránh bị CSGT phạt?
Theo CSGT TP.HCM, trong quá trình xử lý học sinh vi phạm hiện nay, CSGT phát hiện có nhiều trường hợp bao gồm cả học sinh, phụ huynh hiểu sai quy định về độ tuổi học sinh được đi xe gắn máy.
Cụ thể, khi bị CSGT thổi phạt, học sinh gọi phụ huynh đến. Giải thích với CSGT, nhiều phụ huynh cho biết: "Đọc thông tin trên mạng là học sinh đủ 16 tuổi được đi xe máy nên giao xe cho con đi học".

Học sinh được đi xe gắn máy, không phải xe máy
ẢNH: V.P
Lúc này, CSGT giải thích: "Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1.1.2025 quy định học sinh đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy, chứ không phải xe máy".
Xe gắn máy là xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/giờ; nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không lớn hơn 50 cm3; nếu động cơ dẫn động là động cơ điện thì công suất của động cơ không lớn hơn 4 kW; xe gắn máy không bao gồm xe đạp máy.
Xe mô tô gồm: xe có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, được thiết kế, sản xuất để hoạt động trên đường bộ, trừ xe gắn máy; đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg.
Hiểu đơn giản, xe gắn máy là xe có dung tích xi lanh dưới 50 cm3, nếu là xe máy điện thì công suất tối đa không vượt quá 4 kW, tốc độ tối đa không lớn hơn 50 km/giờ. Đây là loại xe phụ huynh có thể mua cho con đủ 16 tuổi đi học.
Xe mô tô (người dân thường gọi xe máy) là xe có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên, người lái xe bắt buộc phải đủ 18 tuổi và có GPLX.
Tương tự, xe máy điện có công suất tối đa từ 4 kW trở lên thì người lái xe phải có GPLX.
"Người dân cần phân biệt rõ khái niệm để tránh hiểu sai. Luật dùng từ xe mô tô và xe gắn máy, nhưng người tham gia giao thông hay gọi chung xe 2 bánh là xe máy, trong đó, phần đông thói quen nhất mọi người mặc định xe mô tô là xe máy dẫn đến hiểu sai về quy định", CSGT nói.
Theo cơ quan chức năng, người đủ 16 tuổi mới được điều khiển xe gắn máy. Nhưng thực tế, một số học sinh chưa đủ tuổi vẫn lái xe tham gia giao thông. Khi con đủ 16 tuổi, phụ huynh muốn cho con tự lái xe đến trường tốt nhất nên tìm mua xe gắn máy - có dung tích dưới 50 cm3.
Phân biệt xe gắn máy và xe máy: Học sinh 16 tuổi được đi xe nào?
Những lỗi vi phạm học sinh thường bị CSGT phạt
Dù thường xuyên tổ chức tuyên truyền, ra quân xử lý học sinh vi phạm luật Trật tự, an toàn giao thông nhưng CSGT vẫn ghi nhận còn học sinh vi phạm.
Các lỗi vi phạm thường gặp của học sinh gồm:
- Lỗi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi.
- Vi phạm tốc độ.
- Không có GPLX.
- Không đội mũ bảo hiểm.
CSGT cho hay, Nghị định 168 quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy hoặc điều khiển xe ô tô, điều khiển xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt cảnh cáo.

Ngoài lập biên bản phạt học sinh vi phạm, chủ xe cũng bị phạt nặng vì giao xe cho người không đủ điều kiện
ẢNH: V.P
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên hoặc có công suất động cơ điện từ 4 kW trở lên bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng.
Ngoài phạt người điều khiển xe trong các trường hợp trên, người giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe cũng bị phạt từ 8 - 10 triệu đồng vì giao xe cho người không đủ điều kiện.
Quy định về độ tuổi được cấp GPLX
Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Bình luận (0)