Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao với liên tiếp 2 đoạn video quay cảnh nhiều bậc phụ huynh bất chấp nguy hiểm, “đánh cược mạng sống” của chính mình và đặc biệt là con nhỏ trong lúc tham gia giao thông.
Đầu tiên là vụ việc một người phụ nữ lái xe trên phố, vô tư để con nhỏ (12 tuổi) trèo qua cửa sổ trời, ngồi vất vưởng trên mui xe. Kế đến là vụ việc một người đàn ông cũng vô tư không kém, cho con gái khoảng 4 tuổi ngồi trong lòng mình trên ghế lái, thoải mái ôm và vần vô lăng khi chiếc ô tô 4 chỗ đang lưu thông trên phố. Cả hai vụ việc đều mới xảy ra vài ngày trước tại Tiền Giang và những phụ huynh này, theo tôi biết đều đã bị cơ quan chức năng xử phạt.
Liên tiếp hai vụ việc cha mẹ để trẻ nhỏ lái xe hoặc ngồi trên mui xe khiến nhiều người vô cùng bức xúc |
Tuy nhiên, không bàn đến chuyện vi phạm luật và hình thức xử phạt, có một số vấn đề tôi quan tâm hơn, là tại sao những vụ việc như thế này lại xuất hiện ngày càng nhiều và tại sao các bậc cha mẹ lại có thể hành xử như vậy?
Tôi nhớ cách đây vài tháng, trên mạng xã hội cũng đã “dậy sóng” với một đoạn clip khác, quay cảnh một người cha bất chấp nguy hiểm, để con trai (ướm chừng 8 - 10 tuổi) thoải mái ngồi một mình và lái chiếc xe tải lùi vào sân nhà. Hay trước đó nữa, dân mạng cũng xôn xao khi một người mẹ vui vẻ cầm điện thoại quay cảnh cậu con trai 3 tuổi đang ngồi trên đùi cha mình, hiên ngang vần vô lăng khi xe đang chạy trên phố. Người mẹ này sau đó còn “quả cảm” đến mức đăng đoạn video này lên mạng xã hội để “khoe” tài năng của con trai.
Đó là những vụ việc tôi từng biết và xem qua. Nhưng khi thử tìm kiếm trên internet, tại Việt Nam vài năm gần đây, tôi còn bất ngờ hơn khi những vụ việc tương tự xuất hiện nhan nhãn. Vậy tại sao những vụ việc như thế này lại diễn ra ngày càng nhiều, và tại sao các bậc cha mẹ lại có thể hành xử như vậy?
Tôi nhớ trước đây có đọc về một nghiên cứu của Trung tâm an toàn đường bộ Úc liên quan đến an toàn của trẻ em khi ngồi trên ô tô. Trong đó, họ tiến hành rất nhiều bài thử nghiệm mô phỏng. Đối với trường hợp để trẻ em ngồi vào lòng người lớn và lái xe, kết quả thử nghiệm cho thấy, khi xảy ra va chạm túi khí phía trước sẽ bung ra. Lực bung này mạnh đến mức làm cho hình nộm trẻ nhỏ ngồi trong lòng tài xế bị hất văng lên trần xe. Theo các chuyên gia, những vụ tai nạn kiểu như vậy có thể khiến trẻ bị gãy cổ và chấn thương sọ não.
Bên cạnh thử nghiệm trên, trung tâm này còn tiến hành một bài thử khác với trường hợp trẻ em ngồi trên ghế phụ. Và kết quả cho thấy, nguy cơ mất an toàn với trẻ là rất cao. Bởi theo lý giải, hiện nay hầu hết ô tô đều được trang bị ít nhất hai túi khí phía trước. Vì vậy, khi xảy tai nạn xảy ra, túi khí bên ghế hành khách cũng sẽ bung và bung với tốc độ rất cao (vào khoảng 160 - 320 km/giờ, tương đương 10 - 25 phần nghìn giây), nhanh hơn một cái chớp mắt. Khi đó, lực tác động về phía người ngồi sẽ rất lớn và hoàn toàn có thể dẫn đến những chấn thương nghiêm trọng cho trẻ.
Chỉ khi hình dung được mức độ nguy hiểm của việc để con nhỏ ôm vô lăng hoặc ngồi tại các vị trí nguy hiểm trên xe, các bậc cha mẹ mới hạn chế được những việc làm "nông nổi" như trên các đoạn video |
Nói như vậy để thấy, việc những phụ huynh để trẻ con lái xe hoặc ngồi ghế hành khách, trên mui xe hay thùng xe (xe bán tải) đều là những hành động rất nguy hiểm. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ thôi cũng có thể cướp đi mạng sống của trẻ, thậm chí cả những người trên xe.
Nhưng tại sao không ít cha mẹ hiện nay vẫn “đánh cược mạng sống” của con cái theo cách như vậy? Theo tôi, lý do duy nhất chỉ có thể do “thiếu hiểu biết”. Vì rằng không có cha mẹ nào mà lại không thương con cả. Đó là điều chắc chắn. Chỉ khi không thể hình dung ra được mức độ nguy hiểm của những việc làm nói trên thì những bậc cha mẹ này mới có những hành động “nông nổi” như trên những đoạn video.
Chính vì vậy, tôi cho rằng, việc xử phạt đối với các trường hợp vi phạm dĩ nhiên là cần thiết. Nhưng để có thể dẹp hết “vấn nạn” này, giáo dục mới là giải pháp tốt nhất. Trong đó, bên cạnh việc tuyên truyền về kiến thức liên quan đến việc chở trẻ nhỏ trên ô tô, cũng nên cân nhắc đến việc đưa các tình huống mô phỏng với trẻ nhỏ như Trung tâm an toàn đường bộ Úc đã thử nghiệm vào chương trình đào tạo lái xe. Khi đó, những vụ việc “nhức mắt” như trên sẽ không còn.
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang sống và làm việc tại TP.HCM.
* Đóng góp bài viết về Xe-Thanh Niên xin gửi về [email protected] hoặc [email protected].
Bình luận (0)