Cha mẹ qua đời bao lâu thì các con mất quyền chia tài sản thừa kế?

04/10/2023 06:44 GMT+7

Kể từ thời điểm cha mẹ qua đời, thời hiệu để các con yêu cầu chia tài sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản; 10 năm đối với động sản như tiền, vàng, xe…

Cha mẹ tôi có 3 người con, gồm 2 người con ruột và 1 người con nuôi hợp pháp. Ông bà mất cách đây 11 năm, có để lại di chúc căn nhà đang ở cho hai con ruột, còn người con nuôi đã lập gia đình nên được cho thửa đất sát bên cạnh. Riêng sổ tiết kiệm trị giá 1,5 tỉ đồng được chia đều cho 3 người con. Ngoài ra, khi ông bà mất để lại ô tô trị giá 1 tỉ đồng và 5 lượng vàng nhưng không lập di chúc.

Khi cha mẹ mất, hai chị em ruột tôi đang du học nước ngoài, do đó toàn bộ tài sản trên do vợ chồng người con nuôi đang quản lý. Hiện 2 chị em chúng tôi đã quay về nước sinh sống nên muốn chia tài sản kể trên. Thế nhưng, vợ chồng người con nuôi nhiều lần trì hoãn dẫn đến gia đình thường xảy ra căng thẳng.

Việc vợ chồng người con nuôi nắm giữ tài sản đã 11 năm nay thì liệu chúng tôi có được chia tài sản thừa kế không, thủ tục như thế nào? Nhờ Báo Thanh Niên tư vấn giúp chúng tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Câu hỏi trên của bạn đọc Phước Ngọc.

Luật sư tư vấn

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Công ty luật Viên An) tư vấn, theo bộ luật Dân sự năm 2015, có hai hình thức thừa kế là thừa kế theo di chúcthừa kế theo pháp luật. Trong đó, việc chia thừa kế theo di chúc được tiến hành khi người để lại di sản lập di chúc trước khi chết theo đúng quy định của pháp luật. Việc chia thừa kế theo pháp luật được thực hiện khi: không có di chúc; di chúc không hợp pháp… (khoản 1 điều 650 bộ luật Dân sự).

Cha mẹ qua đời bao lâu thì các con mất quyền chia tài sản thừa kế? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang

NVCC

Trong trường hợp của bạn đọc hỏi nêu trên, phát sinh cả hai hình thức thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, chị em bạn chỉ có quyền yêu cầu chia di sản khi còn thời hiệu thừa kế. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó (điều 623 và khoản 1 điều 688 bộ luật Dân sự).

Theo điều 107 bộ luật Dân sự, bất động sản bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng. Còn động sản là những tài sản không phải bất động sản.

Như vậy, căn nhà ở và thửa đất của cha mẹ bạn để lại là bất động sản, nên thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Đối với sổ tiết kiệm, ô tô và 5 lượng vàng là động sản, nên thời hiệu yêu cầu chia thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết (điều 611 bộ luật Dân sự). Theo đó, kể từ thời điểm ba mẹ bạn mất đến nay đã hơn 11 năm, nếu chị em bạn chưa yêu cầu chia di sản thừa kế thì nay không còn thời hiệu yêu cầu chia di sản đối với sổ tiết kiệm, xe ô tô và 5 lượng vàng. Do đó, động sản này sẽ thuộc về người con nuôi đang quản lý di sản.

Vì vậy, hai chị em bạn chỉ còn quyền yêu cầu chia thừa kế theo di chúc đối với căn nhà. Bạn có thể nhờ vợ chồng người con nuôi hỗ trợ, phối hợp cung cấp giấy tờ, tài liệu (như di chúc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) để thực hiện thủ tục khai nhận di sản tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND xã nơi có bất động sản. Sau đó, hai chị em bạn thực hiện thủ tục đăng ký sang tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà.

Trong trường hợp vợ chồng người con nuôi không phối hợp, không đồng ý để chị em bạn khai nhận di sản, các bên phát sinh tranh chấp, thì chị em bạn khởi kiện tại TAND cấp huyện nơi người con nuôi đang cư trú để yêu cầu tòa án giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.