Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công bố kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh năm 2021 (PACA 2021).
Đây là hoạt động thường niên trong suốt 6 năm qua, được thực hiện bởi TTCP và các địa phương trên cả nước, có vai trò rất quan trọng góp phần xây dựng các chính sách về PCTN.
Về nguyên tắc xây dựng PACA, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư sẽ tự chấm điểm kèm theo tài liệu chứng minh, sau đó TTCP tổ chức đánh giá, rà soát cụ thể điểm của từng địa phương rồi "chốt".
Phòng, chống tham nhũng chưa cải thiện
PACA 2021 được đánh giá từ ngày 16.12.2020 đến ngày 15.12.2021, cũng là giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Bộ chỉ số đánh giá gồm 52 tiêu chí, tương ứng thang điểm 100. Trong đó, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng chiếm 40 điểm; công tác thực hiện phòng ngừa tham nhũng 30 điểm; công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách PCTN 20 điểm và công tác thu hồi tài sản tham nhũng 10 điểm.
Theo TTCP, bộ chỉ số PACA 2021 ngoài kế thừa năm 2020 còn được bổ sung một số tiêu chí thành phần mới, như: việc chuyển đổi công tác của cán bộ, xác minh tài sản thu nhập (chưa tính điểm), xử lý vi phạm trong kê khai và kiểm soát tài sản…
Kết quả cho thấy, điểm trung bình PACA 2021 chưa được cải thiện so với năm 2020, đạt 62,12 điểm, giảm 1,74 điểm. Chênh lệch giữa tỉnh có điểm cao nhất và tỉnh có điểm thấp nhất đã được thu hẹp hơn nhiều. Có 9 tỉnh đạt điểm trên 70, giảm 7 tỉnh so với năm 2020.
Quảnh Ninh là địa phương có điểm cao nhất với 75,97 điểm; tiếp theo TP.HCM 74,44 điểm; Lạng Sơn 73,04 điểm… Khánh Hòa là tỉnh duy nhất đạt điểm dưới mức trung bình, với 49,93 điểm.
Tương quan giữa điểm tự chấm của các địa phương và điểm sau rà soát do TTCP chấm là khá lớn. Ví dụ: Sóc Trăng tự chấm 91,35 điểm nhưng sau khi TTCP rà soát còn 70,39 điểm; TP.HCM tự chấm 88,36 điểm nhưng sau rà soát còn 74,44 điểm; Hà Nội tự chấm 81,57 điểm nhưng sau rà soát còn 69,44 điểm; Hưng Yên tự chấm 84,2 điểm nhưng sau rà soát còn 65,43 điểm…
Vẫn theo TTCP, so với năm 2020, một số địa phương tiếp tục duy trì kết quả tốt, như: Quảng Ninh, TP.HCM, Thanh Hóa… Trong khi đó, nhiều địa phương không giữ được kết quả khả quan, đạt điểm thấp hơn nhiều, như: Hà Tĩnh, Bình Định, Hải Phòng, Quảng Bình, Khánh Hòa… Thậm chí, có tỉnh "chưa có dấu hiệu nỗ lực cải thiện", như: Bạc Liêu, Yên Bái, Bến Tre, Đắk Lắk.
Xem nhanh 12h ngày 4.2: Quốc Cơ-Quốc Nghiệp lập kỷ lục | Hai vụ án hy hữu ở Thanh Hóa, Đà Nẵng
Xem nhanh 12h ngày 4.2: Quốc Cơ-Quốc Nghiệp lập kỷ lục | Hai vụ án hy hữu ở Thanh Hóa, Đà Nẵng
Thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả khả quan
Phân tích cụ thể ở từng nhóm tiêu chí, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được đặt nhiều kỳ vọng khi có thang điểm cao nhất là 40. Tuy vậy, kết quả chung chỉ đạt 18,78 điểm, tương ứng 46,95% yêu cầu, thấp hơn năm trước. Chênh lệch giữa địa phương cao nhất và thấp nhất tương đối lớn, mức độ thực hiện cũng không đồng đều và thiếu ổn định so với các mặt khác của PCTN.
Thực tế cho thấy, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn chủ yếu từ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử (đạt tới 85,94% yêu cầu); cao hơn nhiều so với kiểm tra, thanh tra, giám sát (12,19%) và phản ánh, tố cáo (25,92%). Ngoài ra, so với năm 2020, kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu được cải thiện khá tốt (34,12% so với 26,8%).
"Việc xử lý hành vi tham nhũng tuy có phần quyết liệt hơn nhưng số lượng cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý vẫn còn tương đối thấp so với hậu quả của hành vi tham nhũng", TTCP đánh giá.
Về thu hồi tài sản tham nhũng, năm 2021, các địa phương đạt trung bình 6,03 điểm, tương ứng 60,3% yêu cầu, cao hơn năm 2020. Căn cứ thực tiễn công tác thu hồi tài sản tham nhũng cả nước, đây là một kết quả khả quan.
Đáng chú ý, một số địa phương thu hồi tài sản bằng biện pháp hành chính cao hơn biện pháp tư pháp, nhưng cũng có địa phương thì ngược lại. TTCP cho rằng trong những năm tới, các địa phương không chỉ đẩy mạnh công tác thu hồi tài sản tham nhũng nói chung mà còn cần chú ý nâng cao hiệu quả từng biện pháp thu hồi tài sản.
Về phòng ngừa tham nhũng, điểm trung bình cả nước là 19,23, đạt 64,10% yêu cầu, giảm nhẹ so với năm 2020, nhìn chung chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Điểm sáng lớn nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về PCTN. Hầu hết các địa phương đều thực hiện rất tốt, với mức điểm trung bình lên tới 90,4%.
Nghe nhanh 6h ngày 4.2: Chuyện 2 tỉ phú giữa sóng gió | Tình tiết hy hữu vụ cán bộ đánh bạc
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tiếp tục thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Chỉ thị 10/2019 cua Thủ tướng về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Các địa phương cũng cần chấn chỉnh kịp thời để nâng cao hiệu quả của cơ quan thanh tra trong việc phát hiện hành vi tham nhũng qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh thực hiện cơ chế bảo vệ người tố cáo, khen thưởng người có thành tích trong tố cáo hành vi tham nhũng.
Đặc biệt, các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó kiên quyết chuyển xử lý hình sự đối với cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi phát hiện có hành vi tham nhũng.
Bình luận (0)