Chấm dứt hoạt động nhà máy gây ô nhiễm ven vịnh Hạ Long suốt 23 năm

01/01/2019 12:14 GMT+7

Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng (phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) gây ô nhiễm ven vịnh Hạ Long đã chính thức dừng hoạt động từ hôm nay, 1.1.

Ngày 1.1, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức lễ đóng điện, chấm dứt hoạt động Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng, thuộc Công ty tuyển than Hòn Gai (TKV).
Tại buổi lễ, lãnh đạo TKV đã đọc thông báo chấm dứt hoạt động đối với Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng. Nhà máy này sẽ được di chuyển và xây dựng mới thành Trung tâm chế biến và Kho than tập trung vùng Hòn Gai tại khu Làng Khánh, phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long.
Lãnh đạo TKV và tỉnh Quảng Ninh bấm nút đóng điện, dừng hoạt động Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng Ảnh Lã Nghĩa Hiếu
Theo lộ trình của TKV, từ nay đến hết tháng 9.2019, Nhà máy tuyển Nam Cầu Trắng buộc phải phá dỡ và bàn giao mặt bằng sạch cho tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho TKV hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh Quảng Ninh đồng ý cho Công ty tuyển than Hòn Gai được vận tải than sạch mỏ bằng đường sắt từ khu vực Lộ Phong (phường Hà Phong, thành phố Hạ Long) về kho than Nam Cầu Trắng đến hết 31.3 và đến ngày 30.6 sẽ chấm dứt hoàn toàn hoạt động của cảng Nam Cầu Trắng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Hoà, Giám đốc Công ty tuyển than Hòn Gai, cho biết đến nay công ty đã điều chuyển gần 100 lao động từ nhà máy cũ và một số thiết bị vào Trung tâm Chế biến và Kho than tập trung vùng Hòn Gai để người lao động tiếp cận công việc chuẩn bị chạy thử, sản xuất thử từ cuối tháng 12.2018, ổn định việc làm cho người lao động, đồng thời tổ chức kiểm kê tài sản, khối lượng than tồn kho bắt đầu từ 1.1.2019.
Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng thuộc Công ty tuyển than Hòn Gai hoạt động từ năm 1995. Suốt 23 năm qua, nhà máy thường xuyên xả khói bụi, gây ô nhiễm môi trường ven di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Trước thực trang trên, hồi cuối năm 2017, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nghị quyết di dời nhà máy để lấy mặt bằng xây khu đô thị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.