Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) vừa có kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ liên quan đến bất cập trong việc nộp thuế của doanh nghiệp (DN) trong ngành. Theo đó, DN khi nộp thuế của phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu thì phải tới 2 cơ quan cùng quản lý nhà nước về thuế của Bộ Tài chính là cục thuế địa phương (thuộc Tổng cục Thuế) và cơ quan thuế xuất nhập khẩu (thuộc Tổng cục Hải quan). Điều này thực hiện theo Thông tư 38 năm 2015 của Bộ Tài chính. Đây cũng là câu chuyện mà thời gian qua rất nhiều DN trong ngành may mặc gặp phải.
VASEP kiến nghị rằng, cơ quan quản lý nên cho phép DN kê khai và nộp tất cả các loại thuế cho cơ quan thuế nội địa (cục thuế địa phương) thay vì phải đi tới hai nơi. Hoặc để DN kê khai nộp thuế đầy đủ tại một cơ quan thuế, đồng thời thông báo với cơ quan hải quan về việc họ đã hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Đồng tình với đề xuất này của VASEP, Văn phòng Chính phủ cho rằng kiến nghị của VASEP sẽ tạo thuận lợi lớn cho DN. “Việc hoàn thuế, kể cả thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế nội địa khác cũng nên tập trung thực hiện tại một địa điểm”, văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho hay Chính phủ đang đẩy mạnh điện tử hóa, trong đó ngành thuế và hải quan vẫn luôn được đánh giá cao trong thực hiện chính phủ điện tử nên phải chia sẻ dữ liệu, “thông quan” với nhau, đặc biệt khi đây lại là hai cơ quan do một bộ quản lý. “Chúng ta nên đặt vấn đề là nộp thuế ở đâu thì thuận lợi nhất cho DN. Thậm chí DN có thể chọn nơi thuận lợi nhất, sau đó mang hóa đơn (thuế) để thông báo với cơ quan kia là được công nhận “hồ sơ hợp lệ”. Không nên một mặt hàng mà khi thì nộp thuế nội địa, lúc lại nộp thuế ở hải quan”, ông Dũng bày tỏ.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), khẳng định cơ quan này sẽ tiếp thu đề nghị của DN cũng như chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 134 năm 2016. “Vướng mắc hiện nay nằm ở chỗ nghị định đang có hiệu lực quy định các loại thuế liên quan đến phế liệu, phế phẩm nguyên liệu dùng để gia công, sản xuất như thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) thì phải nộp ở cơ quan hải quan. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho DN thì Bộ Tài chính sẽ dự thảo nghị định sửa đổi theo hướng DN sẽ nộp tại một đầu mối là cơ quan thuế”, bà Hằng nói.
Bình luận (0)