Chậm hỗ trợ ngư dân vì cán bộ... sợ trách nhiệm?

19/07/2022 07:30 GMT+7

Cả năm nay, hàng trăm ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn đang chờ tiền hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng để tiếp tục vươn khơi bám biển.

Tiền chậm đến tay ngư dân

Những ngày này, theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại cảng cá Tam Quang, An Hòa (H.Núi Thành) và một số cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền ở một số địa phương trên địa bàn Quảng Nam, phần lớn tàu cá lớn nhỏ vẫn đang neo đậu im lìm. Nhiều ngư dân cho hay, họ buộc phải cho tàu nằm bờ dài ngàygiá xăng dầu tăng cao, nếu vươn khơi sẽ không đủ bù lỗ. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg (gọi tắt là QĐ 48) của Thủ tướng lại quá chậm trễ.

Nhiều tàu cá của ngư dân Quảng Nam phải nằm bờ dài ngày vì giá xăng dầu tăng cao và chậm chi trả tiền hỗ trợ theo Quyết định 48

Mạnh Cường

Tàu cá QNa-91234 TS (công suất 660 CV) của ngư dân Phạm Quyến (63 tuổi, ở xã Tam Giang, H.Núi Thành) neo đậu tại cảng An Hòa (Tam Giang) suốt gần 2 tháng nay, giờ mới rục rịch lấy nhiên liệu để chuẩn bị cho chuyến câu mực khơi tại ngư trường Trường Sa. “Hiện giá dầu đã giảm xuống dưới 30.000 đồng/lít, đây cũng là thời điểm vụ câu mực chính nên tôi phải vay mượn để thuê bạn thuyền vươn khơi”, ngư dân Quyến nói.

Theo ngư dân Quyến, QĐ 48 nêu rõ mỗi tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ sẽ được Nhà nước hỗ trợ nhiên liệu tối đa 4 chuyến biển/năm. Trong đó, tàu cá từ 700 CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến biển; tàu cá từ 400 - 700 CV được hỗ trợ 75 triệu đồng/chuyến biển. Tuy nhiên, dù bước sang năm 2022, nhưng tiền hỗ trợ nhiên liệu quý 3 và 4/2021 đối với tàu cá của ông vẫn chưa nhận được.

Ngư dân Phạm Trinh (53 tuổi, ở xã Tam Giang), chủ tàu cá QNa-91892 TS (công suất 829CV), cho biết thời điểm này gia đình ông cũng mới nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu theo QĐ 48 đối với các chuyến biển trong quý 1 và 2/2021, nên tàu đành phải nằm bờ dài ngày. Ông Trinh cho rằng, đa số ngư dân đều vay mượn ngân hàng để đóng tàu vươn khơi. Khoản tiền hỗ trợ nhiên liệu được ngư dân dùng để mua thêm nhiên liệu, thậm chí có thể linh hoạt trích trả lãi ngân hàng; việc chi trả quá chậm khiến nhiều người phải đi vay nóng.

Rà soát nhiều bước để tránh sai sót!

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, không riêng trên địa bàn H.Núi Thành mà nhiều ngư dân ở một số địa phương ven biển như Thăng Bình, Hội An, Duy Xuyên… cũng đang bức xúc vì tiền hỗ trợ theo QĐ 48 quá chậm trễ.

Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thừa nhận việc chi trả tiền hỗ trợ ngư dân theo QĐ 48 đang chậm trễ, nguyên nhân do đơn vị thiếu nhân sự. Đáng chú ý, 3 cựu lãnh đạo của Chi cục Thủy sản Quảng Nam vừa bị tuyên án vì tội danh đưa, nhận hối lộ liên quan đến việc thẩm định, chi trả tiền hỗ trợ nhiên liệu theo QĐ 48 khiến hồ sơ tồn đọng một thời gian dài và ít nhiều “ảnh hưởng” đến tâm lý của cán bộ.

“Trong 1 năm, chúng tôi phải tiếp nhận, giải quyết hơn 4.000 hồ sơ, trong khi nhân sự quá ít nên hồ sơ ngày một tồn đọng, khiến việc chi trả hỗ trợ nhiên liệu bị chậm lại”, ông Long nói.

Trả lời Thanh Niên, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết Hội đồng thẩm định đã thực hiện xong hồ sơ của quý 3 và 4/2021, đang trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí để hỗ trợ cho ngư dân. Chậm nhất khoảng 1 tháng nữa ngư dân sẽ nhận được số tiền hỗ trợ này. Ông Tấn cũng thừa nhận, phiên tòa xét xử 3 cán bộ Chi cục Thủy sản đã ảnh hưởng đến việc chi trả, gây tâm lý “lo sợ trách nhiệm” cho nhiều cán bộ của đơn vị trong quá trình xử lý công việc.

“Khi chưa xảy ra sự cố nói trên, quá trình rà soát chỉ diễn ra từ 1 - 2 bước. Nhưng hiện, để đảm bảo chắc chắn và không để ai phải bị quy trách nhiệm khi có sự cố, thì việc rà soát thực hiện hồ sơ phải làm kỹ từ 4 - 5 bước”, ông Tấn chia sẻ.

Nhiều cán bộ xin chuyển công tác

Theo ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện một số cán bộ đang công tác tại Chi cục Thủy sản tỉnh cũng xin chuyển công tác đến nơi khác vì lo sợ.

Để giải bài toán thiếu nhân sự cho Chi cục Thủy sản, đơn vị đã đăng tin tuyển người nhưng vẫn chưa tìm ra. Vì theo quy định, người được tuyển vào làm ngoài yếu tố chuyên môn còn phải đáp ứng tiêu chuẩn công chức (không thể tuyển viên chức, nhân viên hợp đồng). “Một điều gây khó khăn là chuyên ngành thủy sản thời gian qua việc đào tạo bị “đứt quãng”, gây thiếu cán bộ chuyên ngành này. Cán bộ khi tuyển dụng thì phải học đúng chuyên ngành, đáp ứng được chuyên môn, còn nếu trái ngành là không được”, ông Tấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.