Ngày 11.8, tại Trường phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), sự kiện "chạm." đã diễn ra thành công, thu hút sự tham gia của đông đảo người yêu nghệ thuật. Sự kiện này nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống của gốm Việt và mang đến cho người tham dự những trải nghiệm độc đáo, đáng nhớ.
"Mỗi người một cú chạm"
Tại sự kiện, người tham gia có cơ hội hóa thân thành nghệ nhân gốm, tự tay tạo ra những sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt như bình, chén, tô với họa tiết độc đáo, mà chi phí lại rất phải chăng. Để đảm bảo trải nghiệm này diễn ra suôn sẻ, đội ngũ cộng tác viên của NGUỒN Project đã đến tận xưởng gốm để học hỏi quy trình làm việc từ các nghệ nhân, từ đó có thể hướng dẫn khách tham dự một cách tốt nhất.
Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng này, khi sự kiện "chạm." diễn ra, những "nghệ nhân" nghiệp dư say sưa dành hơn một giờ đồng hồ để nhào nặn, vuốt ve từng thớ đất, thể hiện tình yêu và sự trân trọng đối với nghệ thuật gốm truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh việc mang đến những trải nghiệm làm gốm thú vị và cơ hội giao lưu với nghệ nhân, sự kiện còn có một khu vực bày bán các sản phẩm lưu niệm độc đáo. Đây là những món đồ như móc khóa, hình dán, ghim cài, dây đeo thẻ... được thiết kế và trực tiếp giới thiệu bởi các bạn học sinh. Những sản phẩm này có họa tiết sống động, mô phỏng hoa văn gốm và các yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam. Sự kết hợp giữa hoạt động làm gốm và khu vực bán hàng đã tạo nên một không khí vô cùng sôi nổi, nhộn nhịp.
Vun đắp tình yêu và sứ mệnh bảo tồn văn hóa Việt
Không chỉ có cơ hội tìm hiểu về gốm Việt qua fanpage của dự án, khách tham dự sự kiện còn được trực tiếp lắng nghe những chia sẻ chân thành và đầy cảm hứng từ nghệ nhân gốm Mai Phước Từng - người sáng lập "Gốm nhà Mỡ".
Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của anh, vừa hài hước vừa sâu sắc, đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về tâm huyết của người nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát triển gốm Việt. Đồng thời khơi dậy tình yêu và mong muốn bảo tồn di sản văn hóa này trong lòng các bạn trẻ.
Bên cạnh đó, khu vực trưng bày với những món đồ gốm cũ có thiết kế tinh xảo đã thu hút sự chú ý của đông đảo khách tham quan. Những tác phẩm này như những chứng nhân lịch sử, gợi nhắc về nét đẹp văn hóa Việt Nam từ ngàn xưa, mang đến những giây phút chiêm ngưỡng đầy thú vị và tự hào.
Trong suốt ba mùa hoạt động từ năm 2022 đến 2024, với ba chủ đề đa dạng là rối nước, cải lương và gốm Việt, cùng ba sự kiện ấn tượng "mộc.", "son." và "chạm.", NGUỒN Project của các bạn học sinh THPT tại TP.HCM vẫn kiên định với sứ mệnh cao cả là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam.
Dự án không ngừng nỗ lực kết nối tinh hoa của nghệ thuật truyền thống với thế hệ trẻ, tạo nên sự kế thừa bền vững và sáng tạo, góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa nghệ thuật độc đáo của dân tộc.
Thầy Nguyễn Hữu Phong, Trợ lý Thanh niên Trường phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Qua 2 năm tổ chức với "mộc." về loại hình múa rối nước và "son." về loại hình nghệ thuật cải lương thì năm nay NGUỒN đã trở lại với sự kiện "chạm.", các em học sinh mong muốn có thể mang nghề gốm truyền thống đến gần hơn với các bạn học sinh và các bậc phụ huynh.
Trong giai đoạn đầu tổ chức "chạm.", tôi đã có chút lo lắng vì các em còn khá lúng túng và có nhiều sơ sót trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, các em đã dần hoàn thiện, đầu tư nhiều hơn cho hoạt động và thành quả là một "chạm." hết sức chỉn chu, chuyên nghiệp, tôi thật sự ấn tượng với điều này. Sự kiện lần này không chỉ nhận được sự quan tâm, yêu thích của các em học sinh mà có cả những bậc phụ huynh. Tôi tin rằng đây là một sự khích lệ dành cho các bạn trong đội ngũ tổ chức.
Lê Ngọc Bảo Trân, sinh viên Cornell University, người sáng lập NGUỒN Project:
Tại "chạm.", các bạn đã mang tới một trải nghiệm có tính thực hành hơn. Khán giả không chỉ được ngắm nhìn và mua lại các sản phẩm gốm truyền thống mà còn được tự tay tạo nên một tác phẩm gốm cho bản thân dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân và cộng tác viên...
Em rất tự hào khi NGUỒN tiếp tục lan tỏa được tới khán giả ở nhiều độ tuổi một loại hình nghệ thuật gắn liền với đời sống và văn hóa dân tộc, đồng thời rèn luyện những đức tính tốt đẹp. Em hy vọng rằng các bạn học sinh cấp 3 từ nhiều trường trên địa bàn thành phố sẽ cùng NGUỒN tiếp nối giữ gìn và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống như vậy trong tương lai.
Bình luận (0)