“Buổi sáng hôm đó, đang chạy xe như bay trên đường thì tôi chợt lặng người vì một khoảnh khắc quá đẹp: nhữ̃ng cánh hoa dầu xoay tít trong gió. Sống ở Sài Gòn bao nhiêu năm, tôi chợt nhận ra một Sài Gòn rất khác”.
Nhà biên kịch Dương Nữ Khánh Thương bên chiếc xe đạp xinh xắn của mình - Ảnh: T.K
|
Đó là chia sẻ của Hoàng Đức Quỳnh, nhân viên văn phòng đang làm việc tại TP.HCM, một người tự đánh giá mình “khô khan, thực dụng, đặt mục tiêu kiếm thật nhiều tiền là quan trọng nhất”. Sau hôm đó, Quỳnh cho biết hóa ra quãng đường đi làm chỉ vài ki lô mét thôi nhưng có quá nhiều thứ mà lâu nay Quỳnh không hề để ý đến sự tồn tại của nó: công viên xanh mướt, người phụ nữ bán hoa hồng bên vỉa hè, hàng rào của nhà ai nở đầy hoa lan tiêu…
Đạp xe, tô màu, nghe nhạc xưa
Nhà biên kịch Dương Nữ Khánh Thương gây ngạc nhiên cho rất nhiều người thân quen lẫn người lạ trên phố, khi hằng ngày đi làm bằng chiếc xe đạp xinh xắn, ấn tượng. Khánh Thương cho biết việc mình đi xe đạp không phải để tạo sự khác người, mà vì thích, vì cảm thấy bản thân được thoải mái. Cô dùng xe đạp làm phương tiện di chuyển chính, từ đi làm, đi gặp gỡ đối tác, đi chơi… Chỉ khi nào cần kíp thì Khánh Thương mới sử dụng các phương tiện khác.
“Chạy xe đạp thú vị lắm nhé, có thể ngắm những thứ lạ lùng, đẹp đẽ trên đường phố, ngắm người, quan sát cuộc sống được lâu hơn. Đặc biệt là thấy an toàn, giữ tinh thần ổn định để làm việc tốt hơn. Nếu lười tập thể dục thì vẫn có vận động để giúp cơ thể khỏe khoắn”, Khánh Thương chia sẻ.
Không ít bạn trẻ cũng dành thời gian cho việc tô màu, đan khăn, áo thay vì lên mạng “chém gió”, chơi game. Nguyễn Thúy Hương, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, gần đây bỗng dưng từ chối mọi cuộc hẹn của bạn bè, với lý do bận tô màu tranh. Hương cho biết từ nhỏ đã thích nghịch màu sắc, thích tô vẽ. Hương kể: “Buổi tối xong xuôi mọi việc, em lại lôi sách ra để tô. Những bức tranh hoa lá, động vật… rất tinh tế giúp em thỏa sức sáng tạo, phối màu sắc theo cách riêng của mình. Có bức tô mấy ngày mới xong, ngồi ngắm lại, tràn ngập cảm xúc”. Theo Hương, đây cũng là cách để thư giãn và rèn luyện tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, những đức tính rất cần thiết cho cuộc sống.
Giúp bồi đắp tâm hồn
Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A, Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM nhìn nhận: “Sống chậm ở đây không có nghĩa là sống ù lì, buông xuôi, an phận, mà chính là mỗi người cần có những khoảng thời gian lắng đọng để nhìn thấu đáo cuộc sống, biết trân trọng những giá trị tinh thần, tạo cảm xúc tích cực, biết quan tâm, chia sẻ”.
Theo thạc sĩ Tô Nhi A, bạn trẻ vẫn có thể lao đi trên đường cho kịp cuộc hẹn, hoặc mải mê làm việc để đạt được mục tiêu, nhưng vẫn nên dành thời gian để cảm nhận những điều xung quanh mình, vẻ đẹp của con đường, của một bức tranh, của một bản nhạc… Những điều đó sẽ giúp tâm hồn được bồi đắp, tinh thần thư giãn và có tác động tích cực tới thái độ sống và làm việc hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thạc sĩ Tô Nhi A nhấn mạnh: “Nếu sống quá thực dụng, gấp gáp, vội vàng sẽ trở nên lệch chuẩn. Lúc đó, bạn trẻ không còn đủ sự tỉnh táo, khả năng thẩm thấu giá trị cuộc sống bị giảm, cảm xúc chai sạn, chỉ chạy theo những thứ bên ngoài mà quên đi những giá trị nằm sâu bên trong”.
Bình luận (0)