Mới đây, khi tháp tùng cuộc tuần tra cột mốc biên giới cùng cán bộ chiến sĩ ĐBP cửa khẩu Nam Giang (thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam), chúng tôi nghe được câu chuyện về quá trình ĐBP nhận nuôi nhiều bà mẹ neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Cùng tham gia tuần tra, chiến sĩ Nguyễn Thanh Tân (24 tuổi, ở xã Bình Nam, H.Thăng Bình, Quảng Nam) kể, hằng ngày sau những giờ canh gác, anh cùng đồng đội thay phiên nhau nấu, rồi đưa cơm cho các mẹ già neo đơn. Hình ảnh những chàng lính trẻ, ngày ngày đều đặn mang cơm đến cho các mẹ đã quá quen thuộc với người dân vùng biên.
Tình cảm người lính sưởi ấm những người già
Theo Tân, do thường xuyên đưa cơm cho các mẹ, các chiến sĩ đã quen thuộc và có thể biết được sở thích ăn uống cũng như bệnh tật của từng mẹ, để chuẩn bị bữa ăn phù hợp nhất. Các chiến sĩ thăm hỏi, giúp các mẹ dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp. Sự chăm sóc ân cần, tình cảm của người lính đã sưởi ấm tấm lòng của những người già neo đơn nơi vùng cao biên giới. "Ngoài việc cầm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi cũng muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa cho xã hội. Nếu sau này, có rời quân ngũ thì tôi vẫn luôn muốn một ngày nào đó sẽ trở về lại đơn vị, về với bản làng để thăm hỏi các mẹ", Tân bộc bạch.
Bà Hiên Thị Nhiêl (65 tuổi, ở Thôn Đăk Ốc, xã La Dêê, H.Nam Giang - một trong những bà mẹ được Bộ đội biên phòng cửa khẩu Nam Giang nhận nuôi dưỡng), xúc động nói: “Ở đây bộ đội tốt lắm, bộ đội dựng nhà, bộ đội nuôi cơm mẹ hằng ngày. Mẹ xem bộ đội như con đẻ của mẹ vậy”. Trung úy Nguyễn Tiến Dũng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng (thuộc ĐBP cửa khẩu Nam Giang), cho hay sau hơn 2 năm triển khai phong trào nhận nuôi dưỡng bà mẹ neo đơn, chiến sĩ của đồn ai cũng thấy phấn khởi bởi việc làm tuy nhỏ, nhưng đã tạo được sự đồng tình của người dân địa phương. “Mỗi ngày, chiến sĩ ăn món gì thì các mẹ sẽ ăn món đó. Bên cạnh bữa cơm, chúng tôi còn thường xuyên thăm hỏi sức khỏe và tặng quà cho các mẹ vào các dịp lễ, tết...”, trung úy Dũng chia sẻ.
Thượng tá Thái Sự (chính trị viên ĐBP cửa khẩu Nam Giang) cho biết cán bộ chiến sĩ đơn vị thường xuyên thăm hỏi, động viên, chăm lo cho sức khỏe các mẹ, đảm bảo về ăn uống. “Có nhiều cách để thắt chặt tình đoàn kết quân - dân. Việc làm cụ thể, thiết thực với từng phận người, từng mảnh đời khó khăn của ĐBP cửa khẩu Nam Giang đã góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người chiến sĩ biên phòng trong lòng bà con vùng biên. Phương châm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, thượng tá Sự khẳng định.
Bình luận (0)