Chấm thi môn văn THPT quốc gia làm sao để tránh tiêu cực?

15/05/2019 10:11 GMT+7

Trong khi việc chấm các môn thi trắc nghiệm của kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT giao về cho các trường ĐH cùng với nhiều giải pháp tối ưu để tránh tiêu cực, việc chấm thi môn văn năm nay vẫn được tổ chức ở các địa phương do sở giáo dục chủ trì.

Theo lãnh đạo bộ là sẽ quy định chặt việc cách ly và bảo mật trong khâu làm phách, thực hiện nghiêm việc chấm 2 vòng độc lập, chấm thẩm định 5% số bài thi, các bài đạt điểm cao phải được chấm kiểm tra, tăng cường vai trò giám sát của các trường ĐH. Tuy nhiên, vẫn không tránh khỏi những lo lắng của xã hội về tính công bằng giữa các địa phương, việc chấm không đều tay giữa các giám khảo. Để hạn chế những bất cập đó, theo chúng tôi, cần chú ý các điểm sau đây:
Một, khâu ra đề phải chuẩn tuyệt đối. Cần hạn chế tối đa những mập mờ, cách hiểu không thống nhất, dễ dẫn đến tranh cãi.
Hai, đề thi mở dĩ nhiên đáp án cũng phải mở. Tuy nhiên, mức độ “mở” phải trong những giới hạn “đóng” nhất định. Đáp án phải lường trước những khả năng làm bài của thí sinh để cụ thể hóa vào trong ấy. Phiếu chấm của 2 vòng nên thay đổi, chi tiết hơn, giúp giám khảo chấm dễ dàng, chính xác. Sau khi họp thống nhất đáp án từ thực tế bài làm của một số thí sinh, các hội đồng chấm ở địa phương phải có sự đồng bộ về cách chấm. Điều này cần đến vai trò của bộ.
Ba, kiến thức chủ yếu ở lớp 12, đề thi lại tăng cường theo hướng gợi mở, vì vậy phải có sự lựa chọn đội ngũ giám khảo.
Bốn, chú ý hơn về việc tổ chức không gian chấm, phòng chấm, việc cách ly các vòng chấm. Kèm theo đó là tăng cường hơn nữa sự giám sát.
Năm, phải có sự hạn chế số bài chấm của giám khảo trong từng buổi, ngày, đợt chấm.
Sáu, phân hạn thời gian hợp lý để giảm áp lực về tiến độ công việc cũng như tăng độ chính xác cho hội đồng chấm và giám khảo.
Bảy, mức thù lao cần hợp lý cho những người làm công tác chấm thi, bởi mức thù lao như vừa qua là còn quá “khiêm tốn”!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.