Chậm thực hiện nội dung kết luận thanh tra về Khu liên hợp thể thao quốc gia

05/01/2023 19:07 GMT+7

Ngày 5.1, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của Tổng cục TDTT, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã đề cập đến vấn đề nóng của thể thao Việt Nam liên quan đến Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.

Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng trong năm 2022, công tác chuyên môn về thể dục thể thao đã đạt được một số dấu ấn quan trọng đáng ghi nhận.

Cụ thể, SEA Games 31 tổ chức chu đáo, đúng quy định, đúng thông lệ quốc tế để lại ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Kết thúc đại hội, đoàn thể thao Việt Nam giành được 205 huy chương vàng, phá 21/41 kỷ lục SEA Games.

Sân Gelora Bung Karno của Indonesia - nơi diễn ra trận bán kết lượt đi AFF Cup 2022 giữa Indonesia và tuyển Việt Nam

ĐỘC LẬP

Bóng đá Việt Nam tiếp tục có nhiều khởi sắc, trong đó đội tuyển nam quốc gia thắng đội tuyển Trung Quốc tại vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á. Đội tuyển bóng đá nữ giành quyền tham dự World Cup nữ 2023; đội tuyển U.23 và đội nữ cùng giành huy chương vàng SEA Games 31; đội tuyển U.23 lọt vào tứ kết giải U.23 châu Á.

Ngành thể thao cũng đã tổ chức thành công Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Kết quả đại hội cho thấy sự gia tăng về thành tích của các môn thể thao và đặc biệt là các môn thể thao Olympic, ASIAD. Điều này thể hiện ở 53 kỷ lục quốc gia, 96 kỷ lục đại hội được xác lập tại đại hội.

Sân Mỹ Đình

ĐỘC LẬP

Tuy nhiên, trong năm 2022, ngành thể thao vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, dù được tổ chức chu đáo, đúng quy định, đúng thông lệ quốc tế nhưng công tác thanh quyết toán SEA Games 31 còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, việc triển khai thực hiện các nội dung Kết luận số 106/KL-TTCP ngày 11.5.2021 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia còn chậm. Hoạt động của khu liên hợp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương lưu ý ngành thể thao về công tác chuẩn bị lực lượng cho các giải đấu quốc tế trong những năm tiếp theo: “Tôi đề nghị ngành thể thao xây dựng kế hoạch theo thứ tự chóp tầng, đưa những gì tinh hoa nhất lên cao nhất. Đề nghị Tổng cục TDTT sớm xây dựng chương trình hành động cụ thể mà trước mắt là SEA Games 32. Ngoài ra, việc đạt được thành tích ở ASIAD là điều cần thiết. Đó là cơ sở tạo sức bật đạt thành tích ở Olympic”.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu, các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cần được xây dựng theo hướng trọng tâm, chuyên môn, định hình cụ thể lợi thế, tạo ra bản sắc riêng với từng trung tâm, tránh tình trạng đào tạo các VĐV trùng lặp nội dung.

Liên quan đến các vấn đề của Khu liên hợp thể thao quốc gia, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Tổng cục TDTT nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động nói chung, đồng thời hoàn thiện đề xuất dựa trên Nghị định mới trong quý 1/2023, làm sao để khu liên hợp là đơn vị tự chủ một phần (hiện đơn vị này được giao nhiệm vụ tự chủ hoàn toàn).

“Đối với Khu liên hợp thể thao quốc gia, cần có kế hoạch, đề án sử dụng tài sản công theo quy định, tạo thêm nguồn thu, tăng kinh phí sửa chữa. Ngoài ra, cần phải tính toán đưa các VĐV về tập luyện, tận dụng những cơ sở vật chất tốt nhất cho công tác đào tạo, huấn luyện”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.