'Chạm vào' báu vật hoàng cung Thăng Long

10/09/2022 07:07 GMT+7

Ngắm trưng bày Báu vật hoàng cung Thăng Long , người xem thấy xúc động vì đời sống cung đình ở Hoàng thành Thăng Long có thể đẹp đến như thế, gần tới như vậy.

Khuôn mặt hiện vật hoàn chỉnh

TS Ngô Thị Lan và họa sĩ Bùi Thị Hợi, hai cán bộ của Viện Khảo cổ học, cùng nhau ngắm chiếc đĩa màu ngà trong trưng bày Báu vật hoàng cung Thăng Long tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Rồi âm nhạc ngân lên dịu nhẹ và ánh sáng bắt đầu chiếu lên chiếc đĩa, vẽ lên chiếc đĩa những nét màu mảnh. “Ôi, giống như cô Hợi vẽ kìa”, TS Ngô Thị Lan nói. Bà Hợi là họa sĩ nhiều năm vẽ tay lại trên giấy các hiện vật quý tìm thấy trong các cuộc khai quật, trong đó có Hoàng thành Thăng Long. Nhưng ở đây, một chương trình mapping đã được lập, để có thể vẽ từ từ trên chiếc đĩa ngà những đường nét hoa văn bằng ánh sáng, và sau đó, khi hoàn chỉnh người ta có trước mắt hình ảnh một chiếc đĩa thời Lê sơ, thế kỷ 15. Quy trình vẽ đó cứ lặp đi lặp lại. Người xem có thể hình dung ra việc vẽ một tác phẩm ngự dụng như thế nào.

Chiếc nắp hộp hình rồng thời Lý đã được đặt lên một chiếc hộp để dễ hình dung

Trinh Nguyễn

PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, là người đã lên ý tưởng và tổ chức thực hiện trưng bày này. Ông cũng là chủ nhân của sáng kiến thể hiện lại việc vẽ một chiếc đĩa bảo vật hoàng cung. “Vẽ hoa văn đương nhiên là rất tỉ mỉ và mất thời gian. Nhưng quan trọng là phải nghiên cứu để vẽ. Đặc biệt, còn phải có ý tưởng khoa học hay để đưa ra giải pháp trưng bày ấn tượng, độc đáo, riêng có ở VN”, PGS-TS Trí nói.

Tại trưng bày Báu vật hoàng cung Thăng Long, có nhiều đất cho công nghệ chiếu mapping như thế. Ông Trí cho biết tất cả là các công nghệ mới lần đầu áp dụng tại VN. Ví dụ như chiếu mapping lên tường, chiếu lên cả cung điện Lý, đưa các báu vật trong hoàng cung vào không gian của một cung điện nhà Lý. Mang lại cảm xúc ấn tượng về các đồ dùng vật dụng của hoàng cung xưa.

PGS-TS Trí tâm sự: “Chúng tôi áp dụng công nghệ cao mapping để diễn giải giá trị hiện vật tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Từ những mảnh vỡ, những phần còn lại của di vật mà diễn đạt được cả hiện vật hoàn hảo, cho phép nhận thức và cảm nhận sâu hơn về giá trị của di vật được dùng trong Hoàng cung Thăng Long xưa, nhất là những đồ dùng vật dụng của nhà vua. Hình thức trưng bày hiện đại, gợi nhớ nhiều giá trị lịch sử văn hóa của khu di sản Hoàng thành Thăng Long”.

Trước đây, ông Trí cũng đã từng dùng công nghệ mapping để kể chuyện về sân điện nhà Đinh tại Ninh Bình. Theo đó, chương trình lập sẵn sẽ chiếu hình những viên gạch lên nền hố khảo cổ, từ đó người xem hình dung ra sân điện xưa thế nào. Ở Báu vật Hoàng cung Thăng Long, PGS-TS Trí cho biết: “Mapping này khác hoàn toàn so với mapping ở Ninh Bình. Ở Ninh Bình là trình diễn di tích dưới lòng hố khai quật. Còn ở đây là mapping trình diễn đồ án hoa văn trong lòng hiện vật, mapping kiến trúc cung điện trên tường và không gian trưng bày”.

Bảo vật quốc gia chiếc bát men trắng thời Lê sơ

Hiện vật siêu quý, giải mã đời sống hoàng cung

Tại Báu vật Hoàng cung Thăng Long, hiện vật có “tên tuổi” nhất chính là Bảo vật quốc gia - chiếc bát sứ men trắng mỏng thấu quang, trong lòng in nổi hình rồng và chữ Quan. Đây là đồ dùng của nhà vua, thời Lê sơ, thế kỷ 15. Năm 2004, khi Tổng thống Pháp Jacques René Chirac và Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi thăm khu di tích Hoàng thành Thăng Long, chiếc bát này được mang ra để hai vị khách chiêm ngưỡng. “Từ khi phát hiện, chiếc bát đã trở nên rất nổi tiếng, trở thành di sản quý giá của Hoàng thành Thăng Long và nó đã được công bố nhiều trên các sách và tạp chí trong, ngoài nước. Hai vị khách đều thán phục, ngợi ca về phẩm cấp cao quý, chất lượng tuyệt hảo, vẻ đẹp tinh mỹ của đồ án hình rồng khi chiêm ngưỡng chiếc bát này”, PGS-TS Trí nhớ lại.

Một hiện vật khác cũng rất nổi tiếng - nắp hộp có rồng thời Lý. Chiếc nắp hộp với vẻ đẹp chuẩn mực thời Lý này được giới thiệu tại nhiều ấn phẩm nghiên cứu về Hoàng thành Thăng Long. Tại trưng bày này chiếc nắp hộp không còn đơn lẻ như trước. Nó được đặt lên một phần hộp để người xem hình dung trước đây nó được sử dụng thế nào. Đây cũng là một ý tưởng giúp hiện vật gần gũi với người xem.

Mảnh vàng

Báu vật hoàng cung Thăng Long còn giới thiệu một mô hình nhà thời Lê sơ rất đẹp. Mô hình có bộ mái ngói bằng đất nung, mái phủ men lam. Kết cấu phủ men da lươn màu gỗ cùng hệ thống kết cấu đấu củng được mô phỏng rất chi tiết. Hiện vật được xác định có từ thời Lê. Với các nhà khảo cổ, hiện vật này vô cùng quý giá vì nó giúp hình dung kiến trúc nhà thời Lê sơ. Trước đó, có nhiều tranh cãi kiến trúc thời Lê sơ có dùng đấu củng hay không, nhưng với mô hình này, câu chuyện tranh luận đó có thể khép lại.

Một hiện vật cũng rất thú vị với công chúng là một chậu lớn chất liệu đất nung. Chú thích hiện vật ghi: “Chậu lớn đựng nước, vai trang trí khắc chìm văn đồng tiền và đắp nổi văn cánh sen, thời Trần, thế kỷ 13 - 14”. Đây là hiện vật gây nhiều tò mò, phỏng đoán. Liệu nó có thể là hiện vật gì, một chiếc bồn tắm hay một chiếc chậu trồng hoa? Với chú thích như trên, cách sử dụng chậu chắc vẫn còn được nghiên cứu tiếp.

Với 29 hiện vật, Báu vật hoàng cung Thăng Long là một trưng bày các hiện vật quý hiếm. Nhiều hiện vật trong số này lần đầu được ra mắt công chúng như: mô hình nhà thời Lê sơ, chậu lớn đựng nước bằng đất nung… Có các hiện vật vàng rất quý giá như mảnh lá vàng trang trí rồng và vân mây thời Lý, cúc áo đúc nổi hình rồng và cánh sen vàng thời Trần, mảnh trang trí vân mây thời Trần… Tất cả giúp người xem hình dung đời sống hoàng cung xưa thật sang trọng mà dễ cảm nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.