‘Chạm vào hạnh phúc’: Cái khó khi chuyển web drama thành phim điện ảnh

04/09/2023 14:52 GMT+7

Phim chiếu rạp Chạm vào hạnh phúc của đạo diễn Mai Long làm lại từ hai web drama (phim chiếu mạng) cùng tên do chính anh chỉ đạo, biên kịch. Tác phẩm sở hữu nhiều góc quay 'chuẩn' điện ảnh hơn, song vẫn không tránh khỏi cách kể chuyện dài dòng, thiếu cao trào.

Trong phim điện ảnh Chạm vào hạnh phúc, ra mắt khán giả dịp lễ 2.9, Mai Long vừa chỉ đạo vừa đóng vai thứ Bầu, con trai giữa bị tâm thần trong gia đình ông Sắn (NSƯT Tiến Quang đóng), thường bị anh cả Bí (NSƯT Đới Anh Quân) và em út Gấc (Quang Thuận) dùng xích trói chân để khỏi đi lung tung.

Nhiều bi kịch khác dồn dập đến với gia đình vốn đã rất nghèo của ông Sắn. Vợ ông - cô Thắm (Quách Thu Phương) sau thời gian xuất khẩu lao động Hàn Quốc đã gửi thư về xin lỗi, nói đang yên bề gia thất với một người đàn ông khác. Bí vì muốn đổi đời đã dứt áo lên thành phố lập nghiệp. Vựa lúa nhà ông đứng trước nguy cơ mất mùa do mưa bão, khiến ông không có tiền gửi cho Gấc ăn học. Giữa lúc ông Sắn quyết định tái giá với người phụ nữ cùng thôn tên Nhàn (NSƯT Tú Oanh) thì cô Thắm bỗng xách vali trở về, khiến đám cưới tan hoang, gia đình xáo trộn.

‘Chạm vào hạnh phúc’: Cái khó khi chuyển web drama thành phim điện ảnh - Ảnh 1.

Chạm vào hạnh phúc là bản điện ảnh của loạt web drama cùng tên do Mai Long đạo diễn

CGV

Bản điện ảnh có nhiều cải thiện về hình ảnh, lối diễn

Trước khi phim ra mắt, đạo diễn Mai Long chia sẻ với báo chí về mong muốn quảng bá danh lam thắng cảnh Việt Nam qua phim mới. Chạm vào hạnh phúc có bối cảnh chính là một làng quê yên bình, nằm biệt lập ở miền núi phía bắc. Điều này giúp anh tự do khai thác ngoại cảnh, gửi lên màn ảnh rộng khung hình xanh mướt mát của những thửa ruộng bậc thang, đồi chè Long Cốc, đồi mâm xôi... cho đến vịnh Lan Hạ và vịnh Hạ Long. Đạo diễn Mai Long còn đầu tư CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) cho một cảnh lật xe.

‘Chạm vào hạnh phúc’: Cái khó khi chuyển web drama thành phim điện ảnh - Ảnh 2.

Hình ảnh thiên nhiên miền Bắc được khai thác triệt để trên phim

CGV

Nhà làm phim kết hợp thiên nhiên hùng vĩ với cảnh dân làng chạy mưa, cảnh đám cưới... để tăng cảm xúc cho khán giả. Tần suất góc quay ngoại cảnh nhiều, tuy nhiên quá lạm dụng flycam nên chủ yếu là góc toàn bao quát, chưa khai thác được các giá trị văn hóa đặc trưng miền Bắc như lễ hội, ẩm thực... do chỉ quanh quẩn góc nhà ông Sắn.

Ở một cảnh quan trọng trên phim, màn hình ghi chú bối cảnh là Ba Lan. Đạo diễn Mai Long chủ đích mời diễn viên nước ngoài tham gia để tăng tính chân thực, tuy nhiên không để lại dấu ấn do góc quay thiếu điểm nhấn.

Diễn xuất cũng là khâu được đạo diễn trẻ chú tâm. Thay vì đóng lại các vai hoạt ngôn trong bản chiếu mạng, anh chọn thể hiện vai nhiều chiều sâu tâm lý. Bầu qua lối diễn của anh là người nửa tỉnh nửa mê, thường có những hành động trẻ con hay làm nguy hại bản thân. Nhưng Bầu cũng tạo nhiều thiện cảm nhất qua cách yêu gia đình, yêu mẹ hồn nhiên của mình. Trong vài phân cảnh, Mai Long có những biểu cảm hơi “lố” như cười lớn một mình hay sùi bọt mép, song các chi tiết này không đáng kể.

Tuyến thứ chính như NSƯT Đới Anh Quân, NSƯT Tú Oanh, Quách Thu Phương, Quang Thuận... tròn vai, do tính cách nhân vật bê nguyên từ trong bản gốc. NSƯT Tiến Quang tỏa sáng trong hình tượng người cha tần tảo, thấu cảnh nghèo hèn nên không trách vợ đi thêm bước nữa. Ông “chiếm màn ảnh” với lối diễn dạt dào cảm xúc, nhất là những lúc ông chung khung hình với bạn diễn Quách Thu Phương. Trong buổi ra mắt phim tại Hà Nội, chiều 30.8, nhiều khán giả nhận định vai diễn của nam nghệ sĩ khiến họ rơi nước mắt.

‘Chạm vào hạnh phúc’: Cái khó khi chuyển web drama thành phim điện ảnh - Ảnh 3.

NSƯT Tiến Quang gây cảm động khi vào vai người cha nghèo, thường nhịn nhục để lo cho con

CGV

Kịch bản gây hoang mang, khó hiểu

Người xem dễ cảm giác Chạm vào hạnh phúc là tập đặc biệt của một bộ phim truyền hình nhiều tập, do có nhiều tình tiết, tuyến vai liên tục xuất hiện không một lời giải thích.

Ở cảnh trước cô Thắm từ biệt chồng con, cảnh sau cô… bị sóng biển đánh dạt vào bờ, được hai cha con nhà tài phiệt cưu mang. Việc bà Nhàn yêu ông Sắn thời trẻ nhưng không cưới được, căn bệnh hiểm nghèo của cô Thắm, hay chuyện tình tay ba của Gấc đều được khắc họa qua loa. Khán giả có lẽ phải ghi chú nếu muốn nhớ hết dây mơ rễ má các nhân vật trong câu chuyện.

‘Chạm vào hạnh phúc’: Cái khó khi chuyển web drama thành phim điện ảnh - Ảnh 4.

Nhiều tuyến nhân vật, tuyến truyện phụ bị nhồi nhét, gây cảm giác khó hiểu cho người xem

CGV

Phim lộ điểm yếu khi lạm dụng voice-over (giọng kể chuyện) để giải thích nhiều tình tiết quan trọng trong phim. Những yếu tố lẽ ra mang tính bước ngoặt như tình trạng sức khỏe của cô Thắm, cái kết cho chuyện tình của Gấc và bạn gái... được tường thuật qua lời kể của ông Sắn, thay vì khắc họa trên màn ảnh. Điều này mang đến cảm xúc lưng chừng cho người xem.

Việc lạm dụng giọng kể chuyện còn khiến Chạm vào hạnh phúc mang nặng tính giáo điều. Lời kể của ông Sắn gửi gắm những triết lý về gia đình, về phân cấp xã hội cộng với cách truyền tải thông điệp phim cũ kỹ, khi nhóm nhân vật phải liên tục nhắc cụm từ “chạm vào hạnh phúc” trong thoại.

Góc nhìn dễ dãi của nhà làm phim về bệnh tâm thần và bệnh ung thư mang đến nhiều chi tiết phi logic trong phim. Nhân vật của Bầu bị trói lại như người nghiện, về sau được chữa trị thì tỉnh như vừa thoát khỏi thuật thôi miên. Ở phân cảnh khác, một nhân vật chữa bệnh bằng… laptop, với công nghệ những tưởng chỉ có trong phim Iron Man (Người Sắt). Loạt nhân vật người ở quê, kẻ ở thành phố, có người còn vào tận miền Nam lập nghiệp, song cứ sơ ý là lại… gặp nhau.

Nhìn chung, Chạm vào hạnh phúc tạo tiền đề tốt khi khai thác những giá trị đậm chất gia đình. Phim có nhiều phân đoạn lấy nước mắt khán giả do diễn xuất chân thật của các diễn viên gạo cội. Tuy nhiên phim còn nhiều sạn, kết hợp với kịch bản thiếu chất điện ảnh trở thành điểm trừ lớn của phim.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.