Chặn châu chấu tre lưng vàng di cư từ Trung Quốc phá hoa màu Việt Nam

25/07/2020 07:52 GMT+7

Châu chấu tre lưng vàng là loài sinh vật gây hại, có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hoại lớn và khó kiểm soát.

Chiều 24.7, ông Bùi Xuân Phong, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết qua xác minh, loài châu chấu xuất hiện ở địa bàn xã Sín Thầu (H.Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là loài châu chấu tre lưng vàng, không phải là loài châu chấu sa mạc.
Từ cuối tháng 3 đến nay, châu chấu tre lưng vàng được ghi nhận phát sinh gây hại diện hẹp trên tre, luồng, vầu tại 4 tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La và Quảng Ninh, với tổng diện tích nhiễm là 69 ha và trên cây thạch đen ở Bắc Kạn; trong tháng 6 ghi nhận tại Thanh Hóa gây hại trên rừng giao luồng, nứa, vầu, le, lách với diện tích nhiễm 250,8 ha, mật độ 400 - 500 con/bụi. Còn ở Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh, mật độ phổ biến 100 - 200 con/m2, cao nhất là 400 - 600 con/m2; cục bộ ở Cao Bằng, có nơi mật độ lên tới 1.000 con/m2.

Trước khi tràn vào Việt Nam, 'quân đoàn hủy diệt' châu chấu sa mạc đã tàn phá những đâu?

Ông Phong cho biết đối với châu chấu di cư từ Lào, Trung Quốc sang Việt Nam, các cơ quan chức năng đang phối hợp với các đồn biên phòng ở khu vực biên giới giám sát để phát hiện sớm nhất. Đối với châu chấu tre lưng vàng phát sinh ở trong nước, Cục Bảo vệ thực vật đang hướng dẫn các địa phương phòng trừ bằng các biện pháp chế phẩm sinh học, thiên địch tự nhiên (gà, vịt, chim, ếch nhái, các loài bò sát…). Ở những khu vực mật độ cao, các địa phương sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun ngay sau giai đoạn châu chấu mới nở. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam hiện đã có nhiều hoạt chất như: Cypermethrin, Fenobucarb, Emamectin benzoate, Lufenuron, Imidacloprid, Thiosultap-sodium (Nereistoxin)... để phòng trừ châu chấu.
Trước đó, ngày 23.7, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có văn bản gửi Bộ NN-PTNT yêu cầu có giải pháp ngăn chặn châu chấu gây hại ở địa bàn biên giới xã Sín Thầu (H.Mường Nhé, Điện Biên), sau khi Bộ Tư lệnh Quân khu 2 ngày 20.7 ghi nhận đã phát hiện đàn châu chấu di cư từ Trung Quốc sang phía Việt Nam. Chỉ sau 3 ngày, đàn châu chấu đã cắn phá, gây thiệt hại khoảng 40 ha rừng tre, nứa và 20 ha hoa màu, trong đó, có 5 ha thiệt hại nặng với trên 70% diện tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.