Lực lượng chức năng đã tiêu hủy 236 con lợn (hơn 6,6 tấn). Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Trạm kiểm dịch động vật Dốc Xây, trên QL1A, đoạn qua TX.Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
[VIDEO] Căng thẳng trong vùng dịch tả lợn châu Phi thứ hai ở Thanh Hóa
|
Trong quá trình kiểm tra và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ rõ vai trò, vị trí của tỉnh Thanh Hóa trong việc chống dịch tả lợn châu Phi lây lan. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa được xác định là điểm chốt chặn quan trọng của cả nước để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan vào các tỉnh phía nam.
Bởi vậy, lãnh đạo tỉnh phải chỉ đạo các lực lượng chức năng tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy trình kiểm soát đối với các phương tiện vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn từ khu vực miền Bắc vào miền Nam.
Ngoài 2 trạm kiểm dịch trên QL1A là Dốc Xây và Tĩnh Gia (H.Tĩnh Gia), UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thành lập thêm 4 trạm kiểm dịch mới, chốt chặn các ngả đường đi qua địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực từ các tỉnh phía bắc đổ về.
Cụ thể, trên QL10 nối từ các tỉnh Nam Định, Ninh Bình vào Thanh Hóa đặt chốt tại xã Nga Phú (H.Nga Sơn, Thanh Hóa); khu vực giáp ranh giữa Thanh Hóa - Ninh Bình đặt chốt tại xã Thành Vân (H.Thạch Thành, Thanh Hóa); trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, phía bắc đặt chốt tại xã Thạch Lâm (H.Thạch Thành), phía nam đặt chốt tại xã Bãi Trành (H.Như Xuân, Thanh Hóa). Các chốt kiểm dịch mới thành lập này được bố trí lực lượng gồm cán bộ thú y, công an và quản lý thị trường túc trực 24/24 giờ không kể ngày nghỉ, ngày lễ.
Gian nan chống dịch tả lợn châu Phi tại cửa ngõ TP.HCM
|
Đồng thời, thực hiện tiêu độc, khử trùng nghiêm ngặt các phương tiện vận chuyển lợn, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
Kiến nghị xử lý việc đưa tin sai về dịch tả lợn châu Phi
Ngày 8.3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin - Truyền thông, kiến nghị xử lý nghiêm cá nhân là chủ các tài khoản trên mạng xã hội đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, Bộ NN-PTNT dẫn chứng trong những ngày vừa qua, các trang Facebook như: Đầm bầu thời trang Mami, Trang Thao Mandy... đăng tải hình ảnh lợn được cho là nhiễm bệnh tả lợn châu Phi, kêu gọi mọi người tẩy chay thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn vì ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể lây bệnh cho người. Khi xác minh những hình ảnh từ các tài khoản này đăng tải, Bộ NN-PTNT cho rằng đây là hình ảnh thịt lợn nhiễm sán tại Bình Phước từ tháng 11.2018. Bộ NN-PTNT khẳng định, nghiên cứu của các nhà khoa học đã công bố dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chiều cùng ngày, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông), cho biết đã tiếp nhận thông tin từ Bộ NN-PTNT. Trong chiều 8.3, Cục có liên hệ và gửi giấy mời làm việc với chủ tài khoản Facebook Đầm bầu thời trang Mami về thông tin dịch tả lợn châu Phi đã đăng tải.
Phan Hậu
|
Bình luận (0)