Chặn dịch vào Tây Nam: 'Mắt thần' canh biển

20/05/2021 09:00 GMT+7

Những ngày qua, bộ đội Trạm ra đa 620 đã phát hiện nhiều mục tiêu nghi vấn, báo cho lực lượng làm nhiệm vụ trên biển kịp thời kiểm tra, phát hiện các vụ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Nhiệm vụ đặc biệt

Mấy ngày đi cùng bộ đội trên các tàu biên phòng, cảnh sát biển, hải quân làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép trên vùng biển Tây Nam, đến đâu chúng tôi cũng nghe anh em tấm tắc: “Nếu không có ra đa hải quân chỉ thị mục tiêu, khó mà phát hiện và định dạng các tàu vi phạm. Biển cả mênh mông, ra đa trên tàu rất khó bắt”.
Chặn dịch vào Tây Nam: “Mắt thần” canh biển

Chỉ huy Trạm ra đa 620 và kíp trắc thủ theo dõi mục tiêu trên màn hình

Chúng tôi đến Trạm ra đa 620, leo núi vòng vèo gần 3 km mới lên đến trận địa ra đa nằm tít trên điểm cao gần 500 m chót mũi Gành Dầu. Đại úy - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Hải Đăng (người đã có 28 năm làm trắc thủ ra đa) chăm chú hiệu chỉnh các núm nút trên mặt máy và căng mắt nhìn các mục tiêu xuất hiện trên màn hình, nhanh chóng bám bắt. Chiến sĩ Danh Sóc ngồi bên kiểm tra các thông số trên màn hình, ghi chép nhật ký để thông tin báo về sở chỉ huy.
“Từ tháng 3.2021 đến nay, chúng tôi liên tục trực tăng cường để phát hiện các phương tiện đi vào vùng nước trái phép. Trên màn hình, các mục tiêu chỉ là những dấu hiệu đơn giản, nhưng nhìn đường - hướng - tốc độ, phải phán đoán chính xác”, trắc thủ Nguyễn Hải Đăng kể, và cho biết: “Mỗi ca trực kéo dài trong 2 tiếng. Các trắc thủ giỏi, có kinh nghiệm luân phiên nhau trực. Có khi ngủ tạm giường gấp ngay cạnh phòng máy”.

Bộ đội tàu Lữ đoàn 127 thống nhất kế hoạch hành quân với BĐBP Cà Mau

ẢNH: M.T.H

Thượng úy Nguyễn Hoàng Niệm, Trạm trưởng Trạm ra đa 620, kể: “Địa bàn quản lý của trạm là phức tạp nhất. Thời gian gần đây, lượng phương tiện trên biển phía Campuchia gia tăng đột ngột. Rất nhiều tàu thuyền trà trộn, chỉ đợi sơ hở là vượt qua biên giới biển vào nước ta, chở người nhập cảnh trái phép. Ban đầu, họ chọn thời điểm sẩm tối và đêm khuya. Khi bị lực lượng ta bắt giữ, họ chuyển sang rạng sáng”.
Mới đây nhất, vào lúc 6 giờ sáng 5.5, Trạm ra đa 620 phát hiện 1 tàu cá có dấu hiệu khả nghi từ vùng biển Campuchia về vùng biển Việt Nam. Ngay khi tàu cá này di chuyển vào vùng biển Việt Nam, Trạm 620 đã thông báo cho ca nô 111 và tàu 997 (Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân) đang làm nhiệm vụ tại khu vực, phối hợp Đồn biên phòng Gành Dầu (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) Kiên Giang) tiếp cận tàu cá kiểm tra, phát hiện trên tàu có 5 người, không có giấy tờ hoạt động theo quy định. Lực lượng BĐBP đã tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện, đưa người đi cách ly y tế theo quy định.
Trên vùng biển Tây Nam hiện nay, không chỉ có Trạm ra đa 620 mà còn có các trạm 600 (Nam Du), 625 (Hòn Đốc), 615 (Hòn Chuối), 610 (Thổ Chu), 595 (Hòn Khoai), 605 (Phú Quốc)... thuộc Tiểu đoàn 551 (Vùng 5 Hải quân), trực canh 24/24 ở các khu vực biển.
Chặn dịch vào Tây Nam: “Mắt thần” canh biển

Bộ đội Trạm ra đa 620 quan sát bằng thiết bị chuyên dụng

Phối hợp tuần tra phòng dịch

Quân cảng Lữ đoàn 127 (Vùng 5 Hải quân) vắng lặng, khác hẳn thường ngày. Trung tá Mai Đăng Danh (Lữ đoàn trưởng 127) mắt thâm quầng vì liên tục trực ở sở chỉ huy, rành mạch: Từ ngày 1.5, lữ đoàn đã tăng cường 4 tàu với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cho các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát các phương tiện, tàu cá trên vùng biển Tây Nam để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, góp phần ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh Covid-19. Mỗi tàu sẽ có 1 tổ công tác của BĐBP địa phương lên tàu phối hợp dài ngày. “Đây là nhiệm vụ đặc biệt của hải quân”, trung tá Danh nói.
Chặn dịch vào Tây Nam: “Mắt thần” canh biển

Cán bộ chiến sĩ tàu 795 kiểm tra thân nhiệt ngư dân đang làm việc trên biển

Thượng úy Nguyễn Ngọc Anh, Thuyền trưởng tàu 792 (Hải đội 511, Lữ đoàn 127) kể: “Tàu thuộc thế hệ cũ, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt thiếu thốn, nhưng anh em tìm mọi cách khắc phục, đảm bảo các hoạt động bình thường. Ngay việc tắm gội, cũng thống nhất 4 - 5 ngày mới tắm 1 lần, để dự trữ nước khi thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển”.
Rất trẻ trung và hồn nhiên, trung sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, chiến sĩ báo vụ của tàu 627 (Hải đội 511) cười: “Các anh, các chú lớn tuổi còn chịu được vất vả, mình còn trẻ, có gì phải kêu ca. Được làm nhiệm vụ phối hợp tuần tra, kiểm soát phòng chống dịch bệnh là giữ gìn bảo vệ cho Tổ quốc và chính người thân của mình trong đất liền”.
Chặn dịch vào Tây Nam: “Mắt thần” canh biển

Ca nô chiến đấu 111 chở bộ đội biên phòng kiểm tra phương tiện trên biển Tây Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.