Cô gái sinh năm 1998 chia sẻ với Thanh Niên, đây là giải thưởng khích lệ của nhà trường dành cho những trưởng ban có đóng góp sau thời gian hoạt động ngoại khóa tích cực ở trường: “Sau một năm làm việc miệt mài, đây là một thành công nhỏ làm tiền đề để tôi phấn đấu cho tương lai sau này”.
Đang là sinh viên năm 2 ngành Quan hệ quốc tế, Quỳnh Anh đã là trưởng ban tổ chức nhiều chương trình thành công tại Trường đại học quốc tế Tokyo (TIU).
Hoạt động mà Quỳnh Anh tâm đắc nhất, đồng thời bỏ ra nhiều thời gian, công sức nhất là hội chợ quốc tế International Fair, nơi cô giữ vai trò trưởng ban tổ chức. Đây là hội chợ thường niên hằng năm của TIU với quy mô lớn nhằm kết nối sinh viên, quảng bá văn hóa của các quốc gia qua các sạp đồ ăn, quầy bán đồ lưu niệm, các tiết mục biểu diễn ấn tượng do sinh viên đảm nhiệm.
|
Mới đây, Quỳnh Anh cũng tham gia cuộc thi Hoa khôi Việt Nam tại Nhật và giành giải thưởng đặc biệt, tuy nhiên với cô gái sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, điều khiến cô cảm thấy hài lòng nhất là đã biết bản thân mình đang ở đâu, điểm mạnh, điểm yếu của cá nhân mình là gì.
Giành học bổng nhờ bài luận về chống nạn buôn bán phụ nữ
Để trở thành sinh viên của TIU, giấc mơ của hàng triệu bạn trẻ khác, Quỳnh Anh đã dày công tìm hiểu và thực hiện bài luận chỉn chu nhất có thể. Nữ sinh trưởng thành từ lớp chuyên Anh cho hay trong bài luận, cô đề cập về mong ước trong tương lai có thể tham gia vào hoạt động chống buôn bán phụ nữ ở Việt Nam. Từ đó nâng cao nhận thức của mọi người và giúp đỡ phụ nữ có điều kiện sống tốt hơn, khích lệ phát triển bình đẳng giới, đây cũng là một trong những vấn đề nóng bỏng không chỉ ở Việt Nam, Nhật Bản mà còn ở toàn cầu.
“Tôi chia quá trình làm bài luận ra làm 3 bước: lên ý tưởng phù hợp, kế tiếp là bắt tay vào viết, cuối cùng là phần chỉnh sửa. Tôi cũng nhờ cô giáo dạy tiếng Anh đọc và góp ý, người thứ ba bao giờ cũng cho ý kiến khách quan hơn để giúp xây dựng bài luận hay”, Quỳnh Anh bật mí.
Quỳnh Anh cho hay cô có cơ hội được học hỏi nhiều điều hay từ thầy cô, bạn bè từ ngôi trường cấp 3 : “Ở môi trường nhiều bạn giỏi, thay vì cảm thấy lo lắng và thua thiệt các bạn thì thay vào đó tôi nghĩ đây là cơ hội để mình học hỏi và trau dồi kiến thức”.
|
Để không "lạc" giữa Nhật Bản
Quỳnh Anh thấy mình khá hợp với ngành dịch vụ khách sạn và đang theo đuổi. Ngay từ năm đầu tiên cô đã đi thực tập ở các công ty bên ngoài để tích lũy và trau dồi vốn kiến thức cho công việc sau này. Cô đang có dự định học cao học ở một đất nước khác sau khi tốt nghiệp TIU.
Nữ sinh Việt thừa nhận, khi đi du học cảm giác mất cân bằng hay nhớ nhà trong thời gian đầu có lẽ khó tránh khỏi, cô cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, bí quyết để các du học sinh có thể hòa đồng với môi trường mới là tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, gia nhập các câu lạc bộ và tổ chức cộng đồng sinh viên của trường, cách này có thể làm quen được nhiều bạn mới, học hỏi được thêm nhiều điều về phong tục tập quán nước bạn, thoát khỏi cảm giác stress, đơn độc giữa xứ người.
|
“Nhật Bản là một cường quốc đáng nể phục về tinh thần và ý chí làm việc kiên cường. Ở Nhật chuyện làm quá thời gian là rất đỗi bình thường, họ không đề cao cái tôi cá nhân mà luôn đặt lợi ích tập thể lên đứng đầu. Đây là cơ hội tốt để chúng tôi học hỏi thêm được nhiều điều mới từ nước bạn và rèn luyện ý chí bản thân vững chắc lên từng ngày”, Quỳnh Anh lên tiếng.
Cô gái nhận bằng khen “Nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc” thừa nhận tại Nhật, cô chứng kiến nhiều trường hợp du học sinh Việt lao vào kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, theo cô, nếu bỏ bê học hành, sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập thì cần xem xét, thậm chí nếu làm quá thời gian visa cho phép có thể khiến bạn trẻ mất cơ hội ở lại.
|
Bình luận (0)