Chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng qua Vọng

24/10/2020 07:26 GMT+7

Sáng 28.10, họa sĩ Trần Thế Vĩnh sẽ khai mạc triển lãm Vọng tại Mai House Saigon Hotel (TP.HCM), giới thiệu 51 tranh chân dung văn nghệ sĩ mà anh đã mất 2 năm để hoàn thành.

Đó là những gương mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam, xuyên suốt thế kỷ 20, trải dài từ Bắc chí Nam: Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Xuân Tiên, Lê Uyên Phương, Cung Tiến, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Ánh 9, Trúc Phương, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Hiến Lê, Trần Đức Thảo, Quang Dũng, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bính, Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Minh Đức Hoài Trinh, Hàn Mặc Tử, Đỗ Long Vân, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Trọng Phụng, Trần Vàng Sao, Nguyễn Gia Trí và Vĩnh Phối.
Đánh giá về Vọng, họa sĩ Lương Lưu Biên cho biết: “Chân dung các nghệ sĩ mà Vĩnh vẽ đều đạt đến những sắc thái sinh động, chân thật, cộng với bút pháp khoáng đạt, linh hoạt nên người xem sẽ thích thú với những cá tính sáng tạo khác biệt và mạnh mẽ mà Vĩnh thể hiện. Đồng thời, sự tung tẩy của những vệt sơn cũng làm giảm đi độ chuẩn xác chi tiết, gây cảm giác xóa nhòa của thời gian, mang tính gợi ý hay tạo ra những khoảng trống để một lần nữa đến lượt người xem tự lấp đầy bức tranh một cách tự do bằng những cảm xúc và hiểu biết riêng tư với nhân vật được vẽ, như lần đầu được gặp lại những người quen đã xa cách lâu ngày”.
Điều khá đặc biệt là trừ họa sĩ Vĩnh Phối là thầy dạy học, còn lại Vĩnh chưa gặp bất kỳ ai trong 50 nhân vật xuất hiện trong tranh của anh, mà anh chỉ vẽ nhờ những ấn tượng “vọng” về từ miền ký ức của những dư âm lịch sử, sách vở, sự ngưỡng mộ…, rồi bằng trí nhớ gián tiếp cũng như kiến văn tự thân, Vĩnh đã thành công trong việc lột tả thần thái. Trần Thế Vĩnh thì quan niệm: “Cái khó nhất của vẽ chân dung là lấy được thần thái của nhân vật. Khi bạn nhìn thấy ánh mắt Bùi Giáng trông như mắt thật, ấy chính là linh hồn tranh. Phải nghiên cứu về họ, đọc về họ, thấu cảm với họ, tôi mới có thể vẽ họ sống động theo cách riêng của mình”.
Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986. Anh là người làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, H.Triệu Phong (Quảng Trị), đang lập nghiệp tại TP.HCM. Trước Vọng, Trần Thế Vĩnh từng tổ chức nhiều triển lãm mỹ thuật cá nhân tại Hà Nội, Thừa Thiên-Huế, TP.HCM và Hàn Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.