Chặn gian lận thi THPT quốc gia năm 2019: Thanh tra chéo trong chấm thi trắc nghiệm

15/05/2019 06:56 GMT+7

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên Thanh Niên xung quanh những thay đổi, điều chỉnh trong công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia năm nay nhằm rút kinh nghiệm và phòng ngừa những sai phạm xảy ra năm ngoái.

Tăng lực lượng, quy định rõ trách nhiệm

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay lực lượng thanh tra thi có thay đổi gì về số lượng, cơ cấu không, thưa ông?
Chặn gian lận thi THPT quốc gia năm 2019: Thanh tra chéo trong chấm thi trắc nghiệm
Ông Nguyễn Huy Bằng ẢNH: TUỆ NGUYỄN
Các sở GD-ĐT phải thành lập các đoàn thanh tra vừa cắm chốt vừa lưu động đến tất cả các điểm thi. Ví dụ như năm ngoái quy định mỗi điểm thi có 2 cán bộ thanh tra cắm chốt, trong đó có 1 cán bộ của trường ĐH. Năm nay không quy định cứng như vậy mà quy định mỗi điểm có tối thiểu 2 cán bộ thanh tra và vẫn có cán bộ của trường ĐH. Năm trước, có nhiều nơi máy móc chỉ điều động đúng 2 cán bộ thanh tra dù điểm thi đó rất nhiều phòng thi, 10 phòng thi cũng 2 cán bộ thanh tra mà 30 phòng thi cũng chỉ có bằng ấy người…. Do vậy, năm nay chỉ quy định tối thiểu để các địa phương linh động trong việc điều động số lượng cán bộ thanh tra.
Điểm mới nữa cũng rất đáng chú ý là năm nay quy định trách nhiệm của cán bộ thanh tra. Trong đó quy định: “Cán bộ làm công tác thanh tra ở đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm liên đới với những sai phạm xảy ra ở đó”.
Chúng tôi sẽ tổ chức một số đoàn, làm việc với một số nơi có vướng mắc, khó khăn và chủ động nắm tình hình. Năm nay, chúng tôi sẽ không tổ chức thanh tra mà chỉ kiểm tra công tác chuẩn bị thi để nhằm chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện lệch lạc, chưa đúng quy định trong việc chuẩn bị thi.
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thi sẽ thành lập các đoàn thanh tra lưu động theo khu vực, thành lập và chỉ đạo các sở GD-ĐT thành lập đường dây nóng… để tiếp nhận và xử lý kịp thời những phản ánh của người dân về bất thường của kỳ thi.

Cán bộ thanh tra chấm thi tăng gấp 3 lần


Sai phạm năm trước diễn ra chủ yếu ở khâu chấm thi. Năm nay, việc chỉ đạo thanh tra ở khâu này có gì thay đổi nhằm giám sát và phát hiện kịp thời các sai phạm không, thưa ông?
Về chấm thi, năm nay cũng tăng cường lực lượng thanh tra. Ví dụ như năm ngoái, mỗi hội đồng chấm thi chỉ bố trí 2 cán bộ thanh tra của 1 trường ĐH về cắm chốt, bất kể hội đồng đó nhiều hay ít bài thi. Năm nay, lực lượng này sẽ được bố trí cụ thể hơn.
Ví dụ những nơi nhiều bài thi phải bố trí nhiều cán bộ thanh tra hơn, chẳng hạn Hà Nội là địa phương có lượng bài thi lớn nhất cả nước thì không thể vẫn chỉ có 2 cán bộ thanh tra như năm trước mà dự tính phải có 7 người làm nhiệm vụ thanh tra khâu chấm thi, nhiều gấp 3 lần so với năm trước.
Trong khâu chấm thi, bên cạnh thanh tra là cán bộ do các trường ĐH cử đi, còn điều động thêm thanh tra là cán bộ của các sở GD-ĐT. Nhưng điểm đặc biệt đáng lưu ý là sẽ tổ chức thanh tra chéo. Ví dụ, thành lập đoàn thanh tra chấm thi tại Hà Tĩnh thì tôi sẽ lấy 2 cán bộ đến từ trường ĐH (không đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh) cộng với thanh tra của Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa chẳng hạn. Những người tham gia công tác thanh tra này phải là những người có nghiệp vụ rất tốt. Đoàn thanh tra này chỉ áp dụng với chấm thi trắc nghiệm. Còn Bộ GD-ĐT tổ chức thanh tra toàn bộ cả chấm thi tự luận và trắc nghiệm.
Việc tập huấn nghiệp vụ thanh tra năm nay sẽ phải làm rất kỹ, bên cạnh tập huấn về quy chế, sẽ phải tập huấn cho cán bộ thanh tra cả về kỹ năng. Ví dụ, khi tập huấn chấm thi trắc nghiệm, cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra sẽ được xem “biểu diễn” toàn bộ quá trình chấm trắc nghiệm thế nào để khi thanh tra chấm thi thật sẽ biết họ có làm đúng quy trình hay không.

Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có là “điểm nóng” ?

Chặn gian lận thi THPT quốc gia năm 2019: Thanh tra chéo trong chấm thi trắc nghiệm1
Công an tỉnh Hà Giang đọc lệnh bắt ông Vũ Trọng Lương (Sở GD-ĐT Hà Giang) liên quan đến vụ gian lận của tỉnh này năm ngoái ẢNH: TTXVN
Những địa phương năm ngoái xảy ra sai phạm như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, năm nay có được coi là những “điểm nóng”, cần lưu ý đặc biệt không?
Tuyệt đối không để lỗ hổng cho sai phạm
Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đề nghị ban chỉ đạo kỳ thi của các địa phương năm nay cần quan tâm lựa chọn kỹ đội ngũ nhân lực tham gia tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm từ những tồn tại của kỳ thi năm 2018, không được chủ quan để xảy ra sai sót, đồng thời đặc biệt chú trọng khâu kiểm tra, giám sát kỳ thi, tuyệt đối không để lỗ hổng cho sai phạm.
Chúng tôi không quan niệm nơi nào là “điểm nóng” trong công tác thanh tra vì địa phương nào cũng phải quan tâm như nhau. Tuy nhiên, trong phân công nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, năm nay Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ tháp tùng Thứ trưởng phụ trách phổ thông và khảo thí đi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương như: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng...
Một điểm mới trong hướng dẫn thanh tra thi THPT quốc gia năm nay là có yêu cầu giám sát công việc của thanh tra. Mục đích của việc này là gì, thưa ông?
Đây đúng là một điểm mà chúng tôi quyết định bổ sung vào hướng dẫn để giám sát các hoạt động thanh tra xem việc thanh tra có đúng quy định hay không. Tuy nhiên, hướng dẫn không yêu cầu bắt buộc mà chỉ khuyến khích.
Ngoài ra, năm nay bổ sung nhiều về kỹ thuật giám sát kỳ thi như quy định về dán tem niêm phong hoặc camera giám sát khu vực bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi... có kết nối mạng hay không...
Nhiều thay đổi trong hướng dẫn thanh tra thi
Năm nay, hướng dẫn công tác thanh tra thi THPT quốc gia chi tiết, cụ thể hơn so với năm trước. Người được cử làm nhiệm vụ thanh tra, ngoài những quy định về phẩm chất, đạo đức, năng lực... thì bổ sung quy định không cử người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi. Tổ chức thanh tra linh hoạt hơn ở khâu chuẩn bị thi, có thể thanh tra hoặc kiểm tra.
Ban Chỉ đạo thi cấp T.Ư sẽ quyết định thành lập các đoàn kiểm tra phân chia đến tất cả các địa phương. Các đoàn kiểm tra này do các thứ trưởng, lãnh đạo các vụ, cục làm trưởng đoàn trực tiếp đến làm việc với ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Sau các đoàn kiểm tra này, những nơi cần phải lưu ý thì thanh tra bộ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra để đôn đốc, xem xét họ có chấn chỉnh và thực hiện nghiêm không. Như vậy có sự phối hợp rất kỹ giữa thanh tra và kiểm tra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.