Giá chợ tăng cao, trên mạng rẻ bèo
Gần 1 tháng kể từ ngày các nhà mạng cam kết siết chặt quản lý việc bán SIM kích hoạt sẵn tại các đại lý, việc mua bán SIM rác trên thị trường mặc dù có chuyển biến nhưng vẫn không quá khó khăn để tìm mua được. Theo khảo sát của PV Thanh Niên trên địa bàn TP.HCM, tình trạng bán SIM đã đăng ký sẵn vẫn tồn tại. Cụ thể, trên đường Phạm Văn Đồng, SIM điện thoại đang được bán như "bán rau", khi những người bán SIM căng băng rôn vào thân cây quảng cáo SIM 4G giá chỉ 39.000 đồng.
Chúng tôi có thể mua được SIM VNSKY của nhà mạng MobiFone với giá 220.000 đồng, SIM Vietnamobile giá 39.000 đồng và 100.000 đồng. Các SIM này đều không cần đăng ký nhưng vẫn có thể nghe gọi được. Còn trên tuyến đường 3 Tháng 2 (Q.10), các cửa hàng bán phụ kiện điện thoại kèm SIM số vẫn bán SIM đăng ký sẵn của các nhà mạng Viettel, MobiFone, iTel và Vietnamobile. Khác biệt dễ nhận thấy nhất là giá SIM rác gần đây đã tăng lên khá nhiều. SIM MobiFone có giá lên đến 250.000 đồng; SIM Viettel giá 150.000 đồng, tài khoản 0 đồng; SIM Vietnamobile giá từ 110.000 đồng đến 200.000 đồng, tùy cửa hàng. Đặc biệt, các cửa hàng có thể cung cấp SIM với số lượng lớn, chỉ cần báo trước.
Trong khi đó, mặc dù báo chí đã phản ánh khá nhiều nhưng tình hình mua bán SIM rác trên các sàn thương mại điện tử vẫn diễn ra bình thường, thậm chí giá rẻ đến mức không thể tưởng tượng được. Một SIM nghe gọi của nhà mạng Vietnamobile đã kích hoạt sẵn có giá chỉ 16.000 đồng, muốn nạp bao nhiêu tiền cũng được hoặc duy trì tối thiểu 10.000 đồng/tháng để gia hạn sử dụng.
Một cửa hàng bán SIM có địa chỉ tại Q.Tân Bình (TP.HCM) tư vấn thêm: "SIM này dùng để tạo tài khoản nhận mã code (sp.lzd,zl,mmo,gmail...), mua SIM về lắp vào sử dụng ngay. Khi SIM hết hạn, nạp tiền ít nhất 10.000 và phát sinh cước để gia hạn ngày thì sử dụng được thêm 30 ngày. Nếu anh chị muốn giữ SIM để làm việc khác thì anh chị có thể nạp bao nhiêu tùy thích, hằng tháng chỉ cần nạp 10.000 đồng phát sinh cuộc gọi". Giá SIM kích hoạt sẵn của các nhà mạng khác như MobiFone, Viettel… thì cao hơn một chút nhưng cũng chỉ dao động trong khoảng 50.000 - 65.000 đồng/SIM.
Việc mua bán SIM rác vẫn còn dễ dàng khiến các hệ thống phân phối SIM theo chuỗi, tuân thủ đúng quy định vẫn chưa khởi sắc. Trao đổi với Thanh Niên, đại diện truyền thông của hệ thống Thế Giới Di Động cho biết: "Sau khi có quy định siết chặt quản lý SIM rác, các hệ thống phân phối SIM tuân thủ tốt như chúng tôi kỳ vọng rằng có thể đẩy mạnh doanh số, đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của thị trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay SIM rác vẫn còn quá nhiều, trong khi số lượng SIM chính chủ đã ổn định nên tăng trưởng không còn cao như trước".
Bà Đặng Thị Minh Ngà, Giám đốc khối sản phẩm dịch vụ tại hệ thống FPT Shop, cũng chia sẻ: "Hệ thống phân phối SIM số của FPT Shop đến nay cũng chưa có sự tăng trưởng mạnh như kỳ vọng vì khi cung cấp SIM cho khách hàng, chúng tôi đều kiểm tra kỹ thông tin cá nhân, tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật về việc thực hiện eKYC xác minh SIM chính chủ, không bán như một món phụ kiện đi kèm phổ biến. Do đó, việc mua bán SIM được sàng lọc kỹ và có nhiều khách hàng không đủ điều kiện để mua. Điều này cũng một phần ảnh hưởng lớn đến doanh số chung của hệ thống. Thị trường smartphone gần đây có sự tăng trưởng, nhộn nhịp hơn với sự ra mắt của dòng iPhone 15 nhưng khách hàng của iPhone thường rất ít có nhu cầu đổi SIM, nên doanh số bán SIM cũng tăng không nhiều".
Siết chặt thực hiện cam kết
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện một số nhà mạng cho biết hiện nay đã triển khai đến các đại lý trực thuộc để dừng hoạt động đăng ký thông tin, các đại lý có thể bán phôi SIM nhưng người mua phải đến cửa hàng của nhà mạng để đăng ký thông tin. Đối với câu hỏi vì sao SIM rác vẫn còn xuất hiện trên thị trường, các nhà mạng cho rằng đây là lượng SIM đã được các đại lý đăng ký từ trước và đến nay vẫn chưa bán hết. Ngoài ra, nhiều công ty thực hiện dịch vụ "chăm sóc khách hàng" cũng đang sở hữu một lượng SIM lớn và các nhà mạng cũng không có căn cứ gì để xử lý. Với các cửa hàng đại lý bán lẻ khác, một nhà mạng cho rằng đó là hoạt động tự phát, không thuộc sự quản lý của nhà mạng nên không thể cấm họ bán được.
Mới đây, lãnh đạo Sở TT-TT TP.HCM đã tiếp nhận thông tin về tình trạng SIM rác, đồng thời đã chỉ đạo kiểm tra và sẽ khẩn trương có hướng xử lý. Ngày 15.10, Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp viễn thông di động yêu cầu nghiêm chỉnh thực hiện cam kết với lãnh đạo Bộ TT-TT về việc ngừng cung cấp SIM thuê bao di động qua các đại lý. Các doanh nghiệp viễn thông cũng phải quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các đại lý và nhân viên vi phạm.
Các doanh nghiệp Viettel, Vietnamobile, MobiFone cũng nhận được yêu cầu kiểm tra, xác minh nội dung mà báo chí đã phản ánh, đồng thời xử lý các đại lý và nhân viên vi phạm cam kết. Doanh nghiệp phải báo cáo kết quả xử lý về Cục Viễn thông trước ngày 18.10.2023 để Cục Viễn thông tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ TT-TT.
SIM rác vẫn giao dịch nên cuộc gọi rác vẫn làm phiền người sử dụng thuê bao di động. Nhiều người phàn nàn, bị quấy nhiễu liên tục bởi các cuộc gọi chào mời mua chứng khoán quốc tế, giới thiệu việc làm, trung tâm tư vấn... thậm chí cường độ đang có biểu hiện tăng dần.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT-TT, các nhà mạng đã cam kết với Bộ sẽ rà soát, đánh giá, dừng những đại lý vi phạm, phát triển thuê bao rác ra thị trường theo hình thức này từ ngày 10.9.2023 và chỉ tập trung phát triển các kênh chính của doanh nghiệp, kênh chuỗi có uy tín. Các doanh nghiệp sẽ cân nhắc những kênh nào đảm bảo giám sát, kiểm soát được mới phát triển thuê bao.
Từ đầu năm đến nay, Bộ TT-TT đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, tiến hành thanh tra toàn quốc các đại lý và nhà mạng để phát hiện và xử lý sai phạm về đăng ký thông tin thuê bao, mục tiêu của Bộ TT-TT là ngăn chặn nạn SIM rác và ngăn chặn các cuộc gọi lừa đảo. Chỉ có phát triển thuê bao một cách chặt chẽ mới hạn chế được tình trạng SIM rác, SIM không chính chủ ra thị trường.
Bình luận (0)